Sergei Roldugin, nghệ sĩ cello quen biết Tổng thống Nga Vladimir Putin từ những năm 1970, thu hút sự chú ý khi xuất hiện thông tin ông sở hữu các công ty nước ngoài có giao dịch với nhiều công ty nhà nước Nga trong Tài liệu Panama chấn động dư luận.
Tài liệu Panama hé lộ nhiều nhân vật thân tín của ông Putin, đặc biệt là Roldugin, "bí mật luân chuyển khoảng 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và các công ty ma", theo Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).
Nghệ sĩ Sergei Roldugin, Ảnh: Moscow Times |
Trong chương trình phát sóng ngày 10/4 trên kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya, ông Roldugin nhấn mạnh niềm đam mê đối với âm nhạc và giúp đỡ các tài năng trẻ của Nga.
“Tất nhiên, tôi đã đi khắp nơi để đề nghị mọi người quyên góp", Roldugin kể về những nỗ lực ban đầu của ông giúp khôi phục lại tòa nhà hiện là Viện âm nhạc Saint Petersburg chuyên hỗ trợ các nhạc sĩ cổ điển trẻ. "Mọi thứ rất đắt, nhạc cụ rất đắt, thuê giáo sư rất tốn kém. Tất cả đều cực kỳ đắt giá", nghệ sĩ cello nói.
Roldugin cho biết, ông cùng các viện âm nhạc Nga đang "đầu tư vào hàng trăm nhạc sĩ trẻ", nhưng không bình luận về các công ty bình phong có tên ông hoặc giải thích làm sao họ kiếm được rất nhiều tiền.
Chương trình trên Rossiya được phát sóng 3 ngày sau khi Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc tham nhũng liên quan tới những người thân tín của ông trong vụ rò rỉ Tài liệu Panama. Lãnh đạo Nga khẳng định, ông Roldugin dành số tiền thu được hoạt động kinh doanh để mua dụng cụ âm nhạc từ nước ngoài cho các viện Nga bị kẹt tài chính.
Trước đó, Điện Kremlin bác bỏ các báo cáo từ phương Tây nói rằng nhiều tỷ USD trong các tài khoản nước ngoài có liên quan tới những nhân vật "thân cận với Tổng thống Vladmir Putin". Điện Kremlin gọi vụ Tài liệu Panama là "âm mưu bôi nhọ ông Putin do Mỹ đứng sau giật dây".
Trong một diễn biến khác, tờ AP ngày 10/4 đưa tin, công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm của vụ bê bối Tài liệu Panama, đã sử dụng tên và danh tiếng của Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế (ICRC) nhằm che giấu nguồn gốc của số tiền mờ ám hàng triệu USD.
ICRC không biết rằng họ bị hãng luật Panama lợi dụng theo cách này. Phát ngôn viên của ủy ban cho rằng, phát hiện là “cực kỳ sốc”.
Theo thông tin từ hai tờ Le Monde của Pháp và Le Matin Dimanche của Thụy Sĩ, Mossack Fonseca đã dùng tên tuổi của ICRC tạo ra các quỹ giả nhằm giữ cổ phần trong 500 công ty nước ngoài. Các quỹ giả yêu cầu hưởng lợi tức từ các công ty nước ngoài dưới danh nghĩa “Chữ Thập Đỏ”. Mossack Fonseca chưa bình luận về cáo buộc mới nhất.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…