Mỗi năm có gần 70 triệu thùng dầu được sử dụng để chế tạo sợi polyester, chất liệu được ứng dụng nhiều nhất trong sản xuất đồ may mặc và phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được.
Một nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur đã phát hiện ra rằng cứ mỗi giây người ta lại vứt đi lượng đồ may mặc đủ chứa vừa một xe tải rác.
85% rác thải nhựa trong đại dương là từ các sợi microfiber vốn có trong vải tổng hợp. Chúng đe dọa đời sống hoang dã của các sinh vật biển và lẫn vào nguồn thức ăn của chúng ta.
Hơn 65 triệu cây xanh bị khai thác mỗi năm để chế tạo các loại vải như rayon, viscose, modal và lyocell.
Một phần tư số chất hóa học trên thế giới được sản xuất để phục vụ ngành dệt may.
Để làm thành một chiếc áo phông cần tới 2.700 lít nước, tương đương lượng nước trung bình đủ cho một người uống trong vòng 900 ngày.
[...]
85% rác thải nhựa trong đại dương là từ các sợi microfiber vốn có trong vải tổng hợp. Ảnh: Bebiodiversity. |
Fast fashion
Thuật ngữ “fast fashion” đương đại được các nhà thời trang bán lẻ sử dụng để chỉ các mẫu thiết kế nhanh chóng ra khỏi sàn catwalk và bắt kịp các xu hướng thời trang hiện có.
Hãy thực tế một chút. Fast fashion bóp méo hoàn toàn nhận thức của chúng ta về giá trị. Một ly cà phê ở London có thể dễ dàng lấy từ ví bạn 3,4 bảng Anh và thường thì bạn chỉ thưởng thức thứ đồ uống chứa caffein này trong vẻn vẹn chưa đầy 30 phút.
Tuy nhiên, bạn có thể mua một chiếc áo phông trong cửa hàng bán lẻ giữa phố xá sầm uất với mức giá 1,5 bảng Anh. Đó chính là chiếc áo mà việc sản xuất cần tới hơn 2.700 lít nước và khoảng 55 người trong chuỗi cung ứng qua đủ các công đoạn, từ chọn lựa bông tới may vải.
Tiếp đó, nó chu du khắp thế giới, tạo ra một lượng khí CO2 khổng lồ rồi mới tới tay bạn. Sao một ly cà phê lại đắt tiền hơn chiếc áo đó được cơ chứ?
Trong quá khứ, quần áo là món đồ thực dụng. Chúng là những thứ chúng ta trân trọng, được truyền lại qua hàng thế hệ, được sửa chữa mỗi khi bị hỏng và chỉ vứt đi khi không thể sửa được nữa.
Khi chúng ta thảo luận về thời trang và xét về tính bền, chúng ta thường có xu hướng than thở, nuối tiếc cho những lề thói xưa cũ từ thời cha mẹ: Quần áo của người này được truyền lại cho người khác trong gia đình, được sửa chữa tới khi không thể nữa mới thôi.
Nhưng, thành thật mà nói, sử dụng những lý lẽ của thế hệ trước để bàn tới tính bền vững trong thế kỷ 20 thì không thực tế chút nào.
Ngày xưa, mọi người, nhất là những người trẻ tuổi, không có nhiều quần áo vì họ không thể mua mới. Chúng ta đã vượt qua quãng thời gian đó để tới hiện tại đầy cực đoan. Giá cả là chìa khóa và lý do lớn giải thích tại sao chúng ta lại trở thành như thế này. Nếu quần áo rẻ và vừa túi tiền, thì chúng ta sẽ mua.
Nhưng khi chúng ta có tới hàng nghìn nhà bán lẻ trên phố và trên mạng giành được lợi ích từ nền văn hóa dùng một lần do chính chúng ta tạo ra, thì câu chuyện mất đi tính hấp dẫn. Hệ thống thời trang khiến con người tận hưởng việc mua sắm, mở đường cho những lối sống và cơ hội nhất định.
Fast fashion có vòng đời ngắn ngủi. Ảnh minh họa: Storyblocks. |
Vòng đời ngắn ngủi của đồ may mặc ngày nay
Đồ may mặc theo lối fast fashion thường chỉ được mặc ít hơn 5 lần và được giữ trong vòng 35 ngày trước khi bị vứt đi.
Giới trẻ nước Anh thường xếp những món quần áo mà họ đã mặc một hoặc hai lần vào diện “cũ”. Các công ty fast fashion cố tình thiết kế quần áo để chúng nhanh bị hỏng. Họ theo đuổi chiến lược gọi là “lỗi thời có kế hoạch”. Tức là họ thiết kế đồ may mặc để chúng nhanh chóng trở nên không hợp thời trang, cũ, mất dáng và dễ bung rách để ép khách hàng tiếp tục mua quần áo mới.
Chúng tôi biết điều này vì thời xưa chỉ có hai mùa thời trang xuân hè và thu đông. Nhưng từ năm 2014 trở đi, ngành thời trang có tới 52 mùa nhỏ mỗi năm.
Những bộ sưu tập này có giá rất rẻ, khiến người tiêu dùng cảm thấy giàu có vì có thể mua được nhiều quần áo hơn trước.