Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu bạn ăn cá, nhiều khả năng bạn đang nuốt hạt vi nhựa vào bụng

Nếu hầu hết nhựa không được tái chế, thì bạn nghĩ xem chúng sẽ đi đâu? Nó không thể tự dưng biến mất khỏi Trái Đất hay bốc hơi trong không khí.

Nhựa phải đi tới đâu đó và cái chốn đâu đó ấy hoặc là bãi chôn lấp, hoặc là đại dương, hoặc là một quốc gia nghèo hơn nào đó.

Bãi chôn lấp

Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, tới năm 2050 sẽ có tới 12 tỷ tấn nhựa trong các bãi chôn lấp. Con số này nặng hơn tòa nhà Empire State gấp 35.000 lần.

Bãi chôn lấp rác là nơi tập trung những thứ bị vứt bỏ. Nói đơn giản, bãi chôn lấp hoạt động bằng cách đổ rác vào một cái hố lớn.

Trong lịch sử, bãi chôn lấp là phương pháp phổ biến để xử lý rác thải có tổ chức và mục đích của nó là cách ly rác với môi trường xung quanh, ngăn nước và không khí không bị ô nhiễm.

Rác nhựa lẫn với rác thông thường là một phần của những gò đất đang lớn dần lên, tạo ra mùi hôi khủng khiếp từ các loại khí như sunfua, methane, CO2, amoniac và những loại khí khác.

Các bãi chôn lấp không được thiết kế để phân hủy rác, mà chỉ giữ chúng. Nhưng rác thì vẫn đang phân hủy, dù tốc độ chậm, trong môi trường kín, thải ra hàng tấn methane và khí thải carbon vào không khí, góp phần khiến Trái Đất nóng lên.

nhua anh 1

Theo dự đoán, tới năm 2050 có tới 12 tỷ tấn nhựa trong các bãi chôn lấp. Ảnh: AP.

Thiêu hủy

Từ góc độ môi trường, có vẻ như chôn lấp nhựa tốt hơn là đốt chúng. Nhưng nếu cần ví dụ thì số lượng nhựa bị đốt ở Mỹ gấp 6 lần số lượng được tái chế. Việc đốt nhựa có thể tạo ra những loại khí thải nguy hiểm nhất chứa các độc chất cực kỳ có hại đối với con người.

Vì nhựa được làm ra từ dầu và khí gas, nên nó tỏa ra rất nhiều nhiệt khi bị đốt cháy. Hydrocarbon bên trong chất liệu này thực tế có mật độ năng lượng cao hơn than đá.

Chuyển đổi rác thải nhựa thành năng lượng không làm giảm nhu cầu cần các sản phẩm nhựa mới, hay giảm lượng CO2 đáng kể, nhưng phương pháp này có thể là một phần của nền kinh tế tuần hoàn nếu quy trình xử lý có giá cả cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Đại dương của chúng ta

Tìm hiểu chính xác trong đại dương có bao nhiêu nhựa là một thách thức, vì con người khám phá chưa tới 4% đại dương.

Ngoài ra, đại dương luôn không ngừng chuyển động, nên nhựa sẽ di chuyển ở quy mô vừa lớn vừa xa.

Nghiên cứu của Quỹ Ellen McArthur đã ước tính có 150 triệu tấn nhựa trong đại dương, trong đó khoảng 80-90% nhựa trong đại dương vốn ở trên đất liền. Nửa số đó là nhựa từ lưới và dụng cụ đánh cá bị tàu cá đánh mất.

Lưới đánh cá bằng nhựa là thứ nguy hiểm nhất cho các sinh vật biển như cá heo và sư tử biển, vì chúng có thể bị mắc vào lưới và chết ngạt.

nhua anh 2

Hàng nghìn loài sinh vật biển bị chết vì mắc vào hoặc nuốt phải nhựa. Ảnh: Visualistan.

Hành trình vịt nhựa ngao du thế giới

Vào năm 1992, 29.000 con vịt cao su vàng đã bị đổ ra biển sau khi thùng vận chuyển rơi xuống biển trên đường từ Mỹ tới Hong Kong (Trung Quốc).

Sau khi lạc trên Thái Bình Dương, những chú vịt đã đi khắp thế giới, dạt vào bờ biển Hawaii, Alaska, Nam Mỹ, Úc và châu Âu. Những chú vịt khác thì đi du lịch hơn 17.000 dặm tới tận nơi tàu Titanic chìm, dành hàng năm trời đóng băng trên Bắc Cực và cuối cùng là trở về Mỹ.

Vấn đề thải rác

Dọn sạch nhựa là vấn đề nan giải. Con người đã làm gì với quá nhiều nhựa tới nỗi chúng đổ cả ra đại dương như vậy?

Chúng ta không có nơi nào để vứt nhựa, cũng không có đủ cách tái chế và hầu hết nhựa sẽ bị đốt ở một bãi chôn lấp trong quốc gia đang phát triển nào đó. Việc dọn dẹp có thể mang lại rất ít hiệu quả.

Các vùng ven biển bị ngập trong quá nhiều nhựa có thể đe dọa ngành du lịch và cơ sở hạ tầng của cộng đồng. Dọn dẹp bãi biển và sông ngòi rất quan trọng và đó là cách tốt để bạn gắn kết với cộng đồng, mặc dù người ta vẫn sẽ phải đau đầu để tìm kiếm nơi vứt bỏ nhựa, vì dọn dẹp chỉ là gom nhựa về một nơi.

Chuyện gì sẽ xảy ra với số nhựa bị dọn khỏi đại dương? Thay vì biến mất, chúng từ từ phân hủy ra thành những mảnh nhỏ gọi là vi nhựa. Vấn đề chính của các hạt vi nhựa này là chúng lấp đầy hệ thống nước và thức ăn của chúng ta.

Hàng trăm hàng nghìn loài sinh vật biển, đặc biệt là các loài chim biển đã bị chết vì mắc vào hoặc nuốt phải nhựa. Như tôi đã nói, nếu bạn ăn cá, có tới 99% khả năng bạn đang nuốt hạt vi nhựa vào bụng.

Daisy Kendrick / Tân Việt Books và NXB Dân trí

SÁCH HAY