Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những loại vải giúp bảo vệ môi trường

Hiện nay một số loại vải mới từ dứa, bã cà phê hay da thuộc cá hồi được sáng chế, hướng tới mục đích bảo vệ môi trường.

Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của những loại quần áo làm từ nhựa tái chế, như đồ thể thao và đồ bơi.

Thật tuyệt vời khi thấy các thương hiệu đang chủ động thay đổi, nhưng việc nhấn mạnh mặt trái cũng quan trọng. Khi chúng ta nói về những nguy cơ vô hình của các hạt vi nhựa đang trôi ra biển và ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn, thì quần áo chứa nhựa được tái chế cũng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn chứ không hề được cải thiện.

Quần áo được làm ra từ nhựa tái chế chỉ lấp đầy khoảng trống chứ không giải quyết vấn đề. Mặc dù tái chế nhựa thành quần áo là một nỗ lực tốt trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nó không bao giờ là giải pháp. Thực ra, chúng ta nên tự hỏi bản thân có thể làm gì để loại bỏ nhu cầu sử dụng nhựa ở quần áo?

Những loại vải có tính bền vững có thể được định nghĩa là những thứ sẽ không vắt kiệt nguồn tài nguyên tái tạo và là những chất liệu mà các nhà thiết kế trên khắp thế giới đang phát triển bằng công nghệ và khoa học hiện đại, để chúng không gây ô nhiễm môi trường trong và sau quá trình sản xuất.

Dưới đây là một số lựa chọn thay thế khả thi theo chuẩn mực của ngành thời trang, những thứ cần được hỗ trợ để trở thành chính thống:

Vải dứa

Công ty Ananas Anam có trụ sở ở London đã phát triển một lựa chọn thay thế cho da thuộc có nguồn gốc từ thực vật được gọi là Piñatex. Lá dứa là sản phẩm phụ khi thu hoạch dứa ở Philippines. Lá sẽ được xử lý bằng một phương pháp có tên “bóc vỏ”, về bản chất là tách sợi ra từ lá.

Các sợi này sau đó phải trải qua một quá trình xử lý công nghiệp để trở thành vải không dệt đủ bền nhưng cũng đủ linh hoạt và mềm mại.

Để tăng giá trị cơ bản của Piñatex khi xét tới khía cạnh môi trường, cần phải nói rằng sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất loại vải này là nguyên liệu sinh khối, thứ có thể chuyển hóa thành phân hữu cơ hoặc khí gas sinh học cho các cộng đồng nông nghiệp, khép kín vòng tròn sản xuất vật liệu và thúc đẩy nền kinh tế, xã hội bền vững của các ngôi làng xung quanh đó.

thoi trang anh 1

Bã cà phê có thể làm nguyên liệu thô để làm vải. Ảnh: Coupletx.

Vải bã cà phê

Hầu hết người uống cà phê tại nhà hoặc tại các chuỗi cửa hàng cà phê lớn đều vứt bã cà phê đi sau khi thưởng thức thứ đồ uống này. Nhưng một công ty dệt may ở Đài Loan đã phát hiện ra rằng có thể sử dụng bã cà phê làm nguyên liệu thô quan trọng để làm ra vải.

Nhờ một công nghệ thường được dùng để biến tre thành vải tổng hợp viscose, bã cà phê với một lượng nhỏ polymer có thể được kéo thành sợi để làm ra những sản phẩm may mặc ở cả ngoài trời lẫn trong nhà. Sợi vải cà phê có khả năng kháng mùi tuyệt vời và khô rất nhanh.

Vải chitosan hay chitin (về bản chất là vỏ động vật giáp xác)

Được tạo ra bởi những nhà sản xuất ở Đức và là một trong những lựa chọn thay thế đáng lưu ý nhất, chất chitin có liên quan tới cellulose nhưng là một chất cứng và bán trong suốt bao phủ bên ngoài mai của các động vật giáp xác như cua hay tôm hùm. Chất này được hòa với viscose để tạo ra loại vải không gây dị ứng và có thể phân hủy sinh học.

Da thuộc cá hồi

Trong nhánh tôm cá, ta cần nhắc tới da thuộc cá hồi. Nó là loại vải làm từ da cá hồi, sản phẩm phụ của ngành công nghiệp chế biến cá.

Thứ đáng ra bị vứt bỏ lại trở thành một loại vật liệu. Nó dai, đàn hồi, có chút mùi gợi cho bạn nghĩ tới biển (đừng lo, nó không tanh mà hơi có mùi đất) và quá hoàn hảo để đóng giày hoặc làm phụ kiện.

Daisy Kendrick / Tân Việt Books và NXB Dân trí

SÁCH HAY