Một ngày làm việc của Im - nhân viên 30 tuổi trong một công ty tại Hàn Quốc - bắt đầu lúc 9h và có thể kết thúc muộn tới 22h. Trong những tuần cao điểm, anh có lúc phải làm việc đến 70 giờ, theo Washington Post.
Con số này cao hơn cả đề xuất tăng giờ làm việc tối đa mỗi tuần lên 69 giờ mà giới chức Hàn Quốc đang xem xét, chưa nói gì đến mốc 52 giờ theo quy định hiện hành. Im cho biết anh thậm chí không được trả tiền làm ngoài giờ.
Im chỉ là một trong số đông đảo người Hàn Quốc phản đối kế hoạch tăng giờ làm việc của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol. Theo họ, kế hoạch này sẽ khiến người lao động chịu thiệt.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc phải làm việc quá thời gian tối đa luật định. Ảnh: Korea Times. |
Kế hoạch bị chỉ trích
Trong động thái đảo ngược chính sách hiếm hoi, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đang xem xét lại chính sách sau khi phải đối mặt với làn sóng phản đối.
“Tổng thống cho rằng thời gian làm việc trong tuần nhiều hơn 60 giờ là điều không khả thi, kể cả khi đã bao gồm làm ngoài giờ”, ông Ahn Sang Hoon, cố vấn cấp cao của Tổng thống Yoon, nói với báo giới. “Chính phủ sẽ lắng nghe cẩn thận hơn ý kiến của thế hệ MZ (tức Gen Y và Gen Z)”, theo KBS.
“Tôi nghĩ đây là dấu hiệu tích cực khi tổng thống lùi bước sau khi lắng nghe các thế hệ trẻ”, ông Kim Seol, người đứng đầu Liên đoàn Cộng đồng Trẻ - một nhóm vận động vì điều kiện làm việc tốt hơn cho những lao động trẻ - nhận định. “Nhưng đây cũng là bằng chứng cho thấy tổng thống không thực sự có quan điểm vậy”.
Tính đến ngày 10/3 - bốn ngày sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch giờ làm mới - tỷ lệ người ở độ tuổi 20-29 và 30-39 không ủng hộ ông Yoon lần lượt là 66% và 79%, theo Gallup Korea. Một tuần trước đó, các con số này là 57% và 62%.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol sụt giảm sau khi công bố ý định tăng giờ làm việc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ này trong các nhóm tuổi khác có xu hướng không đổi, thậm chí giảm xuống.
Theo quy định hiện hành, giờ làm việc tại Hàn Quốc là 40 giờ/tuần, cộng thêm 12 giờ làm thêm - miễn là nhân viên được đền bù bằng ngày nghỉ hoặc tiền. Tuy vậy, trên thực tế, việc “làm thêm không công” không phải tình trạng hiếm gặp. Ví dụ, họ thường bị thúc ép làm nốt việc vào buổi tối từ nhà.
Daniel Kim, một nhà nghiên cứu 35 tuổi làm việc trong ngành dược phẩm, cho biết đã có giai đoạn anh không thể về nhà trước 22h trong suốt 8 tháng. Trong công ty anh, việc làm việc 80 giờ/tuần không phải điều chưa từng xảy ra. Vợ của Daniel, người cũng làm trong ngành dược, cũng thường xuyên phải mang việc về nhà làm buổi tối.
Gánh nặng cho người lao động
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.915 giờ/năm, theo Guardian. Để so sánh, con số của Mỹ là 1.791 giờ và mức trung bình OECD là 1.716 giờ. Tại Nhật Bản - quốc gia từng nổi tiếng với truyền thống làm việc quá mức - giờ làm trung bình năm chỉ còn 1.607.
“Nếu có nhiều công việc hơn, các ông chủ Hàn Quốc cần thuê nhiều người hơn”, giáo sư Lee Jong Sun, chuyên gia về quan hệ lao động tại Đại học Cao Ly, Seoul, nói. Qua đó, họ có thể tạo ra nhiều việc làm hơn, trong khi tình trạng làm việc quá sức giảm đi.
Tuy nhiên, giáo sư Lee chỉ ra giới doanh nghiệp hiếm khi làm vậy để tiết kiệm chi phí. “Tuyển thêm người đồng nghĩa với phải chi thêm cho phúc lợi, bảo hiểm và lương”, ông chỉ ra. “Mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn”.
Hàn Quốc mới chỉ chính thức coi một tuần làm việc gồm 5 ngày từ năm 2011. Trước đó, người Hàn Quốc thường vẫn đi làm một nửa ngày thứ bảy. Tới năm 2018, quy định trần giờ làm việc tuần là 52 giờ được thông qua.
Hàn Quốc là nước có thời gian làm việc trung bình cao hàng đầu trong OECD. Ảnh: Reuters. |
“Không ai muốn quay lại thời kỳ phải đi làm lâu hơn cả”, giáo sư Lee, người năm nay 58 tuổi, cho biết ông từng phải bỏ qua các cuộc gặp gia đình vào thứ bảy để đi làm.
“Chúng ta đều đã thấy lợi ích của tuần làm việc ngắn hơn. Sao ai đó lại muốn quay trở lại?”, ông đặt câu hỏi.
Trong khi đó, giữa lúc Hàn Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục - chỉ 0,78 con/phụ nữ - tăng thời gian làm việc được cho sẽ tiếp tục làm giảm con số này, theo giáo sư Rae Copper tại Đại học Sydney, Australia.
Im cho biết nếu mức trần thời gian làm việc trong tuần bị nâng lên 69 giờ, anh và vợ sẽ phải từ bỏ ý định có hai con.
“Ai sẽ chăm sóc cho đứa bé nếu cha mẹ đều phải làm suốt ngày? Đây là điều đáng buồn nhưng tôi khó có thể làm gì”, anh nói.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.