Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera hôm 25/6 đã xin lỗi người dân khi thông báo rằng các chuyến hàng chở dầu đáng lẽ được giao vào tuần trước đã không xuất bến và những đơn hàng tương lai cũng không tới được Sri Lanka với lý do “tín dụng”, Guardian đưa tin.
"Tôi xin lỗi vì sự chậm trễ và bất tiện này", ông Wijesekera đưa ra lời xin lỗi tới hàng trăm nghìn tài xế đã dành nhiều giờ để chờ xăng và dầu diesel trên khắp đất nước nghèo khó này.
Người dân Sri Lanka chờ đợi hàng giờ để mua xăng. Ảnh: AFP. |
Mặc dù vậy, bộ trưởng không thể cam kết khi nào việc nhập khẩu nhiên liệu của đất nước sẽ được khôi phục. Ông cho biết nguồn nhiên liệu ít ỏi còn lại trong nước sẽ được phân phối thông qua một số trạm bơm.
Ông Wijesekera nói thêm nhiên liệu sẽ được các phương tiện giao thông công cộng và các nhà máy điện sẽ được ưu tiên, đồng thời kêu gọi những người lái xe ôtô không tiếp tục xếp hàng chờ đợi.
Tập đoàn Dầu khí Ceylon do nhà nước Sri Lanka điều hành cũng đã đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất do thiếu dầu thô.
Đối mặt với khủng hoảng năng lượng, chính phủ đã đóng cửa các cơ quan nhà nước không thiết yếu cùng với các trường học trong hai tuần để giảm lượng người đi làm. Đồng thời, Sri Lanka cũng như cho công chức nghỉ việc để trồng lương thực phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Một số bệnh viện tại quốc đảo Nam Á cũng cho biết cho biết số lượng nhân viên y tế có mặt giảm mạnh do tình trạng thiếu nhiên liệu.
Sri Lanka đang phải đối mặt với sự thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng tới mức không thể mua những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Quốc gia này đang kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế.
Hôm 22/6, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết nền kinh tế của quốc gia Nam Á với 22 triệu dân "phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn" và kêu gọi mọi người sử dụng tiết kiệm nhiên liệu.
“Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng hơn rất nhiều ngoài tình trạng thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện và thực phẩm”, ông Wickremesinghe nói.
Không thể trả khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2022. Các nhà lãnh đạo đang đàm phán về một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, song phải mất nhiều tháng thì khoản tiền này mới có thể được thông qua.