Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Do thiếu hụt ngoại tệ, nước này không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và thuốc men.
Tình trạng lạm phát và mất điện thường xuyên khiến cuộc sống của khoảng 22 triệu người Sri Lanka thêm khổ sở.
Người dân Sri Lanka xếp hàng mua dầu hỏa. Ảnh: AP. |
Theo Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera, chuyến hàng chở xăng dự kiến tới nước này trong ngày 23/6 đã bị hoãn lại. Do đó, ông đề nghị người dân giảm tần suất sử dụng xe.
“Trong hôm nay và ngày mai, chỉ một lượng xăng hạn chế được phân phối mỗi ngày tới các trạm xăng”, ông Wijesekera nói với báo giới ngày 23/6.
Trước đó, hôm 17/6, giới chức Sri Lanka cũng đã phải đóng cửa các trường học và một số cơ quan chính phủ trong hai tuần - kể từ ngày 19/6 - để đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu.
“Do giao thông công cộng ít ỏi và không thể chuẩn bị phương tiện cá nhân, chúng tôi quyết định cắt giảm mạnh mẽ số nhân viên phải đến nơi làm việc”, Bộ Hành chính công, Nội vụ, Hội đồng tỉnh và Chính quyền địa phương Sri Lanka tuyên bố.
Nước láng giềng Ấn Độ - quốc gia cung cấp các gói tín dụng cho Sri Lanka để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu - ngày 23/6 đã cử một nhóm chuyên gia tới Sri Lanka để đánh giá tình hình kinh tế của quốc đảo này.
“Hai bên thảo luận về lộ trình hành động trong tương lai đối với chương trình viện trợ của Ấn Độ nhằm ổn định và phục hồi nền kinh tế Sri Lanka”, Văn phòng của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ra thông cáo.