Quốc đảo 22 triệu dân này đã phải đối mặt với nhiều tháng thiếu lương thực, xăng dầu, và thuốc men sau khi cạn kiệt tiền để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, theo AFP.
Truyền thông địa phương đưa tin một số nghĩa trang bên ngoài thủ đô Colombo đã hủy dịch vụ hỏa táng sau khi hết khí hóa lỏng. Thay vào đó, họ chỉ cung cấp dịch vụ an táng.
Một chuyến hàng khí đốt cập cảng vào 15/6 sẽ được phân bổ cho các nghĩa trang và những ngành công nghiệp ưu tiên khác.
"Chúng tôi sẽ cung cấp cho người dùng số lượng lớn. Đó là khách sạn, bệnh viện, và lò hỏa táng", Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết ngày 15/6.
Nhà lãnh đạo Sri Lanka cho biết thêm rằng một chuyến hàng khác dự kiến cập bến trong cuối tháng 6 để cung cấp cho các hộ gia đình.
Một số nghĩa trang đã hủy bỏ dịch vụ hỏa táng ở quốc gia đa số theo đạo Phật này vì hết khí đốt. Ảnh: AFP. |
Hầu hết người dân Sri Lanka theo đạo Phật. Những tín đồ tại đây theo truyền thống hỏa táng. Những người theo đạo Thiên chúa và Hồi giáo thiểu số thường chọn chôn cất.
Năm 2021, chính phủ đã bị chỉ trích vì đình chỉ việc chôn cất và buộc những người theo đạo Hồi phải hỏa táng người thân đã khuất của họ theo quy tắc đại dịch Covid-19.
Sri Lanka đang vật lộn với tình trạng lạm phát tràn lan và chi phí tang lễ đang tăng vọt.
Dịch vụ tang lễ kéo dài một ngày có giá 1.900 USD vào tháng 12/2021. Hiện chi phí cao gấp đôi, chưa bao gồm phí hỏa táng.
Từ cuối năm 2021, tình trạng thiếu nhiên liệu liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát điện và vận tải.
Ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka sẽ chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu nhiên liệu thông thường trong 4 tháng tới. Chính phủ sẽ công bố hệ thống phân bổ điện vào tháng 7.
Thủ tướng nói thêm rằng một phái đoàn IMF dự kiến đến thăm đất nước vào ngày 20/6 để tiếp tục đàm phán với Sri Lanka về gói cứu trợ khẩn cấp.
Sri Lanka đã thông báo vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD vào tháng 4. Chính phủ cho biết họ cần 6 tỷ USD để giữ cho nền kinh tế phát triển.