Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống một cuộc đời như Zorba

Tác phẩm kinh điển của nhà văn Nikos Kazantzaki ca ngợi một người đàn ông tên Zorba, nhưng hơn thế, cuốn sách ca ngợi cuộc sống với toàn bộ bản chất của nó.

Sống tròn đầy bản năng như cuộc sống vốn thế, khước từ những quy ước, định nghĩa, khước từ những lễ giáo bó buộc, và giết chết bản chất đầu tiên của cuộc sống. Sống là sống, đó là phương châm của Zorba, và cũng chính là cuộc sống mà Zorba theo đuổi, và dâng hiến.

Có lẽ vì thế mà tác phẩm Alexis Zorba - Con người hoan lạc trở thành một “thứ văn chương nồng nhiệt, thông minh lẫn cuốn hút” đến lạ kỳ…, trở thành cuốn sách gối đầu giường của biết bao nhiêu thế hệ độc giả.

Nhân vật chính Zorba, một người làm công bình thường, đến khai thác than non trên đảo Crete (Hy Lạp) với người bạn của mình, cũng chính là người kể chuyện. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của hai con người ấy, với đầy đủ những mâu thuẫn, những éo le nhưng lại ngập tràn không khí của sự sung sướng, thỏa mãn trong hoan lạc.

Alexis Zorba một người đã già với mái tóc điểm sương, với thân thể cường tráng dù đang từng ngày cạn vơi sinh khí… Nhưng điều đó không làm cho lão cảm thấy buồn phiền hay than vãn. Tuổi già không hề làm vơi đi ở Zorba cái sinh khí tiềm ẩn bên trong hay cả những điều đã bộc phát ra bên ngoài. Lão vẫn say sưa làm việc, vẫn ham muốn phiêu lưu, vẫn đam mê ân ái…

Lối kể chuyện của Nikos Kazantzaki đậm chất hài hước, phóng túng những cũng ẩn chứa đầy những triết lý sâu sắc về cuộc sống thông qua hành trình trải nghiệm của hai nhân vật. Alexis Zorba – Con người hoan lạc đi sâu vào tâm đời sống, nơi hai người trở thành bạn bè, người này là “nguyên cớ và kết quả” cho những câu chuyện bắt đầu của người kia.

Song mot cuoc doi nhu Zorba anh 1
Tác phẩm Alexis Zorba - Con người hoan lạc của nhà văn người Hy Lạp Nikos Kazantzaki. 

 

Việc đặt cạnh nhân vật Zorba, một kẻ hoang dã của đất trời, là một chàng trai trẻ đọc sách đến mòn cả hoa tay, khiến câu chuyện tạo nên những tình huống hài hước.

Anh chàng luôn đắm đuối với những giấc mơ không có thật, chỉ thích nghiên cứu những giáo lý, với những khuôn mẫu và định kiến, con mọt sách đó không hào hứng với cuộc sống hiện thực, đã nhận ra mọi sự đều chán ngắt, trống rỗng và buồn thê thảm với những chỉ dẫn vô định của thứ giáo lý kinh kệ mà anh ta hàng theo đuổi.

Càng đi sâu vào cuộc đời với nhiều màu sắc đầy khác biệt của Zorba đã khiến người bạn đồng hành của lão bị choáng ngợp, cũng là cách giúp độc giả khơi mở đến một cuộc sống mênh mông phiêu bạt, vượt thoát khỏi những quy ước giáo điều một cách hoàn hảo.

Đọc cuốn sách, độc giả trên khắp thế giới còn ấn tượng về một đất nước Hy Lạp đẹp đẽ, nơi đó một người đàn ông tên là Alexis Zorba không có cánh và phép màu, hoang sơ và thô ráp như sinh ra từ mặt đất, ngửa mặt lên bầu trời cười nhạo những triết lý của những kẻ đang vỗ cánh tạo nên. Lão không cần đôi cánh, không cần phép thuật nhưng đã sống một cuộc đời đầy thống khoái và tự do như những cánh chim dang rộng trên miền đất của niềm vui và hoan lạc.

Năm 1964, bộ phim cùng tên được chuyển thể từ cuốn sách bởi đạo diễn Michael Cacoyannis thành công vang dội càng khiến tên tuổi của Zorba và tác giả Nikos Kazantzaki nổi tiếng trên khắp thế giới.

Nikos Kazantzaki sinh ra ở Crete năm 1883, học Luật và nhận bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Tổng hợp Athens. Sau đó ông sang Paris học tập dưới sự hướng dẫn của triết gia Henri Bergson, và sau đó ông còn tiếp tục học văn chương và nghệ thuật bốn năm nữa ở Đức và Italy. Năm 1945, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Hy Lạp, và là Chủ tịch của Hội Nhà văn Hy Lạp.

Bên cạnh tiểu thuyết, ông còn viết nhiều thể loại như kịch, sách du ký, sách lịch sử, và triết học. Ông được xem là “người khổng lồ” của văn học hiện đại, và đã 9 lần nhận được đề cử Nobel văn học. Ông mất ở tuổi 74.

Chuyện về năm người đàn bà si tình

Năm người đàn bà si tình là tập sách nổi tiếng của tác giả Ihara Saikaku, một trong những tác giả xuất sắc của văn chương Nhật Bản thời kỳ Edo.


Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm