Cứ mỗi độ thu về người ta lại nghe đâu đó trên tiếng radio giọng ca ngọt ngào của Hồng Nhung hát về Hà Nội: “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ. Từ độ người đi thương nhớ âm thầm. Có phải em là mùa thu Hà Nội. Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm. Có phải em mùa thu xưa…”.
Bài hát ấy, ca từ ấy của nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã vương vấn nơi thị thành này biết bao mùa lá vàng héo úa, khiến lòng người chợt xao xuyến mỗi khi tiết trời giao chuyển.
Ruy băng vàng phơ phất, cuốn sách bắt nguồn từ những mạch xúc cảm nhỏ nhẹ, pha chút lãng đãng, hững hờ của người thiếu nữ đã trót yêu thành phố này bằng cả tấm lòng và trọn vẹn trái tim. Một tác phẩm hãy đọc khi tiết trời thu đẹp nhất.
Cuốn sách Ruy băng vàng phơ phất. |
Nếu đã quen thuộc với những ấn phẩm Trà sữa tâm hồn hay Hoa học trò hẳn nhiều người sẽ không còn xa lạ với cái tên Lax. Quay trở lại với tác phẩm mới nhất lần này, tác giả vẫn trung thành với giọng văn “mãi mãi xuân xanh” vốn đã thành thương hiệu.
Một tâm hồn của chàng Peter Pan chưa bao giờ lớn, vẫn lang thang đào bới điều bản thân đang ngờ vực. Một kẻ tìm được niềm vui giữa lòng thành phố khi những vòng lặp nhịp sống vốn đã quá tẻ nhạt. Cuốn sách được chia thành hai chủ đề rất rõ rệt.
Một bên thoải mái, tưng tửng chia sẻ về chuyện tình yêu, chuyện bạn bè, chuyện đời. Nửa còn lại là những hồi ức giao mùa dưới hiên nhà cùng gia đình, kỷ niệm, ẩn ức xa xôi về mâm cơm chiều ấm cúng hay hình bóng người mẹ nhỏ nhắn ân cần đợi con trở về sau một chuyến đi xa.
Những chiếc lá khô rơi rụng tơi bời. Lấy xẻng gom cả vào trong kỷ niệm. Những thứ thuộc về trời thu Hà Nội vẫn rất Hà Nội, giống như một người say ngây ngất, chuếch choáng trong men rượu. Giống như chiếc ruy băng màu vàng phơ phất trong gió mang theo hy vọng người cũ năm xưa quay trở về.
Câu chuyện của Lax là một thứ văn chương giàu màu sắc, nhắc đến không thôi cũng đủ khiến độc giả sẽ tưởng tượng ra cả trời thu se lạnh. Màu vàng ấy cũng gợi nhớ đến chiếc ô giúp chàng Ted Mosby tìm ra một nửa của đời mình giữa vòng xoáy định mệnh trong How I Meet Your Mother.
Người ta vẫn hay quyến luyến thanh xuân, nhớ về những chuyện tình ngây ngốc nhưng vụng dại. Bỗng thấy một ngày tự trở nên lạc lõng bởi sự ương bướng khác người, muốn trở nên tan biến hư vô, hóa bọt biển vì sức nặng cơm áo gạo tiền.
Lax đặt cho mình một điểm nhìn khá tài tình. Cô luân chuyển quan điểm theo tâm tư, suy nghĩ của mỗi nhân vật, giúp độc giả cảm nhận đa chiều hơn sâu bên trong xúc cảm của những cô gái, cậu trai đang chênh vênh giữa cái tuổi tay trắng. Thông qua những câu chuyện ngắn như Hoa xuân ca, Bồ công anh trong gió, Hoa lily sông Nile… những mảnh ghép được tái hiện.
Thanh xuân đâu chỉ đi bên cạnh có tình yêu, đó là những lần tra tấn lá phổi bằng làn khói thuốc, những đêm cổ họng bỏng cháy vì ly rượu mạnh. Với Lax tuổi trẻ được quyền mãnh liệt, được quyền tự do nhưng cũng được quyền buồn, được quyền nhung nhớ và sau tất cả lại phải tự bật cho mình một câu hỏi: “Biết làm sao cho lòng lắng yên trở lại?”
Lax không bán cảm xúc, cũng không mua chuộc người đọc. Nàng viết để nỗi buồn trở nên đẹp đẽ, đẹp như chính văn chương của nàng. Người tìm đến Trịnh Công Sơn một người bạn vong niên tri kỷ. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.
Người cũng mệt mỏi sau khoảng thời gian để trường thành sẽ thấm thía nỗi xa nhà, khi ấy gia đình mới là số một. Một chiếc hộp nhạc đưa người đọc trở về với kỷ niệm tuổi thơ với những quán cóc ven đường, những lần la mắng đòn roi khi nghịch ngợm. Khoảng thời gian đẹp đẽ đầy một bầu cảm xúc ấy đã trôi qua không thể lấy lại nay chỉ còn lưu trên những trang sách hôm nay.
Ruy băng vàng phơ phất là một khúc ca mang đậm phong vị của trời thu Hà Nội, một phần hồn rất thật của con người sống nơi đây. Nghĩ suy trong cuốn sách là những điều nhẹ nhàng nhất, lãng đãng nhất, sâu thẳm nhất của mùa thu.