Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Smartphone giá rẻ lên ngôi là điểm nhấn đầu 2014

Flappy Bird trở thành hiện tượng quốc tế, điện thoại giá rẻ trở thành tâm điểm thị trường hay Nokia chính thức thuộc về Microsoft là những câu chuyện đáng chú ý nhất nửa đầu 2014.

Flappy Bird trở thành hiện tượng toàn cầu

Flappy Bird – một game đồ hoạ 8-bit do người Việt sản xuất đã bất ngờ nổi lên trở thành đề tài hot nhất trong 2 tháng đầu năm 2014. Đây được xem như là một câu chuyện cổ tích trong ngành lập trình di động bởi ít người dám tưởng tưởng, một game đồ họa đơn giản, được hoàn thành trong 2 – 3 ngày của Nguyễn Hà Đông lại trở thành một hiện tượng sánh ngang Gangnam Style.

Ở thời điểm đỉnh cao (đầu tháng 2/2014), Flappy Bird đứng đầu trên bảng xếp hạng của Apple Store và Google Play tại nhiều nước khác nhau với hơn 50 triệu lượt tải, mang về cho tác giả của nó 50.000 USD/ngày. Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn từ dư luận, tác giả đã quyết định gỡ bỏ game này.

Video chơi Flappy Bird với kỷ lục 841 điểm tại Việt Nam

Mặc dù xung quanh có nhiều người xem và khá ồn ào, nhưng Nguyễn Lâm Thao vẫn điều khiển chú chim Flappy Bird vượt qua 841 đường ống trên màn hình điện thoại.

Cũng từ đây, nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, trong đó có câu chuyện về thói đố kỵ của một bộ phận người Việt trẻ trước thành công của người khác. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là việc hiện tượng Flappy Bird đã tạo một tiền lệ tốt cho những người có mơ ước, hoài bão và tin vào khả năng của bản thân ở một thị trường còn nhiều tiềm năng như ứng dụng di động.

Mới đây nhất, tác giả của Flappy Bird đã tuyên bố sẽ đưa game này trở lại vào tháng 8.

Hành trình đến 28 ngày trên đỉnh vinh quang của Flappy Bird

Khoảng thời gian từ khi Flappy Bird lọt vào top 10 App Store cho đến khi trò chơi này bị gỡ bỏ chỉ vẻn vẹn 28 ngày.

 

Smartphone giá rẻ lên ngôi, Asus Zenfone trở thành tâm điểm

6 tháng đầu năm 2014 chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của các sản phẩm smartphone giá rẻ. Chỉ cần điểm qua, người ta đã có thể đếm được trên 10 mẫu smartphone có tầm giá dưới 5 triệu đồng cập bến thị trường. Nokia là một trong những hãng tích cực nhất với các sản phẩm như Lumia 525, bộ 3 chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên là Nokia X, X+ và XL. Sony, LG đều có những sản phẩm đáng chú ý như Xperia E1 hay L70.

Zenfone 4 và Nokia là 2 trong số những smartphone giá rẻ đình đám nhất nửa đầu 2014.
Zenfone 4 và Nokia là 2 trong số những smartphone giá rẻ đình đám nhất nửa đầu 2014. Ảnh: Quốc Huy.

Tuy nhiên, sự quan tâm lớn nhất lại dành cho một người mới trên thị trường di động là Asus với dòng sản phẩm Zenfone. Asus ban đầu định cho ra mắt sản phẩm này tại Việt Nam từ tháng 3 nhưng phải cuối tháng 5, model đầu tiên là Zenfone 4 mới chính thức bán ra với giá 2 triệu đồng.

Máy bị chậm bán, mức độ quan tâm của người dùng cao càng khiến sản phẩm này trở thành chủ đề hot trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều đại lý thừa nhận, Zenfone chính là hiện tượng thú vị nhất nửa đầu năm nay. Lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm này cực lớn thậm chí đã gây họa cho đại lý bởi họ không tài nào bán được một số model khác trong khi bản thân Zenfone lại không có hàng để bán ra.

Việc Asus lần đầu tiên ra mắt thị trường và thu hút được sự chú ý lớn cũng chỉ ra rằng, thị trường di động Việt Nam đang rất sòng phẳng và người dùng chính là trọng tài phán quyết tất cả. Ngay cả khi là người mới, hãng vẫn có thể thành công nếu có sản phẩm chất lượng và chính sách tốt về giá.

Nokia Việt Nam trở thành Microsoft Devices Việt Nam

Nokia bắt đầu kỷ nguyên mới tại Việt Nam

Nokia bắt đầu quá trình chuyển đổi khi văn phòng của hãng tại TP.HCM có tên mới là Microsoft Devices Việt Nam. Hôm nay, hãng công bố chiếc Windows Phone 8.1 đầu tiên.

Cuối tháng 4/2014, Microsoft chính thức thâu tóm thành công bộ phận sản xuất di động của Nokia. Tại Việt Nam, văn phòng đại diện của Nokia cũng đã đổi tên thành Microsoft Devices Việt Nam. Tại thời điểm tháng 4, Nokia là chủ để được quan tâm bậc nhất. Nhiều người dùng Việt Nam – những người đã gắn bó với không ít đời điện thoại Nokia – hoài nghi về việc, thương hiệu điện thoại Nokia sẽ ra sao dưới quyền kiểm soát của Microsoft.

Cũng ở thời điểm này, người ta đua nhau tìm về những sản phẩm đã làm nên thương hiệu Nokia như 1110 hay 3310 như một cách nhớ về thương hiệu đình đám này.

Về phía bộ phận sản xuất di động của Microsoft, họ tuyên bố mọi chính sách, cách vận hành và sản phẩm của Nokia dưới triều đại mới vẫn không hề thay đổi. Bằng chứng là việc, hãng vẫn lần lượt cho ra mắt các sản phẩm như Lumia 630, Nokia X+, XL và sắp tới đây là Lumia 930 với mức giá tốt.

Điện thoại thương hiệu Việt thất thế

Đúng như những dự báo trước đó, khi các hãng sản xuất lớn tập trung mạnh vào phân khúc smartphone giá rẻ cũng là thời điểm các thương hiệu smartphone Việt tỏ ra ngộp thở. Trải đều từ phân khúc 2-5 triệu đồng, người dùng hiện đều có nhiều lựa chọn tốt từ các thương hiệu như Samsung, Nokia, Asus, LG, Sony và cả BlackBerry. Trong khi đó, đây lại là miếng bánh chính của các thương hiệu Việt trong các năm trước.

Thời gian gần đây, đã xuất hiện những thông tin về việc Q-Mobile sẽ rút khỏi thị trường smartphone và tập trung sản xuất điện thoại cơ bản. Đây là một tin buồn đối với người dùng Việt nhưng đây là hệ quả tất yếu của việc các thương hiệu này có cách làm chưa đủ bài bản, đầu tư chưa có chiều sâu ở tất cả các mặt, dẫn đến việc dễ dàng thất thế ngay trên sân nhà.

Cuối tháng 4/2014, đã có một chủ thương hiệu khẳng định, Nokia, Samsung đã giết chết nhiều thương hiệu Việt. Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị phản đối gay gắt. Phần lớn người dùng cho rằng, điện thoại thương hiệu Việt đã tự giết mình.

'Điện thoại thương hiệu Việt tự giết chính mình’

Nhiều độc giả cho rằng, không phải Samsung, Nokia chèn ép điện thoại Việt, mà do chính sách phát triển của các thương hiệu Việt đã tạo ấn tượng không tốt cho người dùng trong nước.

 

Điện thoại Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Nửa đầu năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của một thương hiệu Trung Quốc là Oppo. Với mức đầu tư lớn, chiết khấu cho đại lý, nhân viên cùng nhiều “chiêu” khác, lượng smartphone Oppo bán ra tại Việt Nam hiện cao hơn nhiều thương hiệu lớn khác.

Find 7A - chiếc smartphone cao cấp giá 10,5 triệu đồng của Oppo ra mắt hồi tháng 3. Ảnh: Duy Tín.
Find 7A - chiếc smartphone cao cấp giá 10,5 triệu đồng của Oppo ra mắt hồi tháng 3. Ảnh: Duy Tín.

Huawei, Gionee, Haier cũng đều thể hiện tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Sắp tới, thị trường Việt có thể sẽ đón thêm một ông lớn Trung Quốc khác là Xiaomi. Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường Việt Nam – nơi 70% người dùng vẫn chưa sở hữu smartphone là rất lớn, nhất là ở phân khúc giá rẻ.

Chiến lược 'biển người' của điện thoại Trung Quốc

“Rồi bạn sẽ thấy, chỉ một vài năm nữa, các thương hiệu điện thoại của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam”.

 

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm