Thị trường bão hòa
Việc thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam rơi vào trạng thái bão hòa đã được dự báo từ trước. Trên thực tế, smartphone cao cấp (giá trên 10 triệu) đã bắt đầu bán chậm kể từ thời điểm giữa năm 2013. Cuối 2013, đầu 2014 là thời điểm thể hiện rõ nhất tình trạng bão hòa này. Smartphone cao cấp không bán được, thị trường trở nên cực kỳ hỗn loạn do đại lý, cửa hàng tự ý hạ giá sản phẩm liên tục để thúc đẩy doanh số.
“Smartphone cao cấp hiện nhập về chỉ để phủi bụi”, một đại lý nói nửa đùa nửa thật. Trên thực tế, các sản phẩm thuộc dạng bom tấn như Galaxy S5, HTC One M8 đều đang có doanh số rất èo uột. “Nhóm khách hàng của smartphone cao cấp không lớn và đa phần họ đều đã sở hữu một sản phẩm cao cấp rồi. Do đó, máy cao cấp hiện chỉ dành cho một số ít những người muốn nâng cấp hoặc các tín đồ smartphone thực sự, mua để trải nghiệm sản phẩm. Do đó, con số này không thể cao được”, một chủ đại lý khác phân tích.
Trên thực tế, việc phân khúc smartphone cao cấp rơi vào trạng thái bão hòa là tình trạng chung trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia đã dự đoán, thị trường smartphone cao cấp đã rơi vào tình trạng báo động đỏ và không loại trừ khả năng sẽ bị “chết chìm”.
Sản phẩm bom tấn vẫn ồ ạt về nước
Từ đầu năm, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt mẫu smartphone cao cấp như Samsung Galaxy S5 (16 triệu đồng), Oppo Find 7a (10,5 triệu đồng), HTC One M8 (16,8 triệu đồng), LG G Pro 2 (14 triệu đồng), Sony Xperia Z2 (17 triệu đồng). Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, hai model cao cấp khác là Nokia Lumia 930 (khoảng 12,5 - 13 triệu đồng) và LG G3 (16 triệu đồng) cũng sẽ được bán ra thị trường.
Thị trường ế ẩm vẫn ế ẩm, smartphone mới về vẫn cứ về. Tại sao lại tồn tại nghịch lý trên? Lý do thứ nhất liên quan đến yếu tố lợi nhuận. Ế ẩm không có nghĩa là không bán được chiếc nào. Thử tìm hiểu những hoạt động mua đi bán lại trên các diễn đàn, trang rao vặt, bạn sẽ thấy nhu cầu sử dụng smartphone cao cấp của người Việt vẫn còn tương đối cao.
Những màn "mổ bụng" sản phẩm gần đây chỉ ra rằng, một chiếc smartphone cao cấp có giá linh kiện chỉ khoảng 200 USD, trong khi máy được bán với giá gần 800 USD. Trừ các chi phí như quảng cáo, marketing, phí vận chuyển, chi phí cho đại lý, lợi nhuận thu về cho một chiếc smartphone cao cấp có thể cao gấp nhiều lần các sản phẩm giá rẻ.
Một yếu tố nữa khiến hãng buộc phải bán ra và quảng bá mạnh mẽ cho các sản phẩm cao cấp của mình là để làm thương hiệu. Rất khó để người dùng phổ thông nhận ra đẳng cấp, khả năng sáng tạo của một hãng nếu chỉ dựa vào các sản phẩm giá rẻ. Một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm giá rẻ hiện nay đều ít nhiều mô phỏng từ kiểu dáng đến tính năng của các sản phẩm cao cấp. Do đó, nếu làm thương hiệu tốt với các model cao cấp, hãng hoàn toàn có thể thu về doanh số ấn tượng cho các sản phẩm giá rẻ.