Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không dám mua vì smartphone liên tục mất giá

Những màn giảm giá liên tục gần đây đã khiến nhiều người nảy sinh tâm lý đề phòng, không dám mua smartphone cao cấp vì sợ sản phẩm mất giá.

Việc các dòng smartphone, tablet liên tục giảm giá là tin mừng, nhưng cũng là hiểm họa đối với người dùng trong nước. Nhiều người đã lên tiếng kêu ca về việc, họ đang sợ không dám mua smartphone, tablet vì sợ chỉ dăm bữa nửa tháng, máy sẽ mất giá chóng mặt.

2 sản phẩm của BlackBerry là đại diện tiêu biểu cho mức trượt giá khủng khiếp của smartphone cao cấp gần đây.
2 sản phẩm của BlackBerry thể hiện rõ mức trượt giá khủng khiếp của smartphone cao cấp gần đây.

Anh Thắng - làm việc tại một công ty Internet ở Hà Nội - cho biết, sau nhiều ngày đắn đo anh đã bỏ qua iPad hay Galaxy Note 10.1 để chọn một chiếc Asus MemoPad 8 với giá 4 triệu đồng cho “an toàn”. “Nhu cầu sử dụng của mình chỉ là lướt web, đọc tin tức, thỉnh thoảng trao đổi công việc. Thấy iPad hay các sản phẩm cao cấp mất giá nhanh quá, mình quyết định mua chiếc máy tính bảng giá rẻ để tránh mất giá”.

Tất nhiên, lý do tránh mất giá sản phẩm chỉ là một phần của câu chuyện bởi có thể, nhân vật nói trên còn nhiều yếu tố khác (chẳng hạn như kinh phí) để phải lo ngại. Tuy nhiên, nó đặt ra một vấn đề lớn, đó là việc người dùng đang lảng tránh các sản phẩm cao cấp vì sợ mất giá.

Đối với phần lớn người dùng Việt Nam, những sản phẩm có giá lên đến chục triệu đồng như iPhone, iPad hay các dòng điện thoại, máy tính bảng cao cấp vẫn được xem là một tài sản. Đã là tài sản, không ai muốn nó bị mất giá trị đến chóng mặt chỉ sau một vài tháng.

Những smartphone giảm giá sốc nhất từ đầu năm

Bắt đầu từ màn giảm giá có một không hai của HTC 8X, các hãng sản xuất đã liên tục tung ra các màn giảm giá sốc khiến thị trường trở nên cực kỳ sôi động.

Mới đây nhất, người dùng các sản phẩm như BlackBerry Z10, Q10 hay Xperia Z Ultra của Sony hiểu rõ nhất vấn đề này. Anh Dũng - một người mua chiếc BlackBerry Z10 hồi tháng 5 năm ngoái (giá 15,5 triệu đồng, hàng chính hãng) không biết diễn tả cảm xúc ra sao khi chưa đầy một năm sau, chiếc máy có trị giá lớn nhất anh từng mua có giá chỉ còn 4,5 triệu đồng. “Đem máy bán lại, mình dám chắc không thu được 4 triệu đồng. Như vậy, chiếc smartphone của mình đã mất giá, chỉ còn 1/5 chỉ sau đúng một năm”, anh này chia sẻ.

“Tất nhiên, dám chơi thì phải dám chịu nhưng nếu máy cứ mất giá như hiện tại, mình có lẽ sẽ chọn một sản phẩm giá rẻ, dùng các tính năng cơ bản để tránh mất giá”.

Người dùng đã vậy, các cửa hàng, đại lý cũng hoang mang không kém về tình trạng mất giá chóng mặt của smartphone hiện tại. Trong đợt BlackBerry Z10 giảm giá, nhiều cửa hàng đã mất trắng một khoản lên đến cả trăm triệu. Hãng chỉ phân phối máy cho một số đại lý nhất định, trong khi các đại lý còn lại nếu không kịp xả hàng tồn kho sẽ lĩnh đủ. “Cách làm việc của hãng khiến đại lý mất niềm tin. Không ai dám làm việc với hãng nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra”, ông Nguyên - một chủ đại lý bức xúc lên tiếng trong đợt BlackBerry Z10 giảm giá.

Smartphone cao cấp bán chậm, đại lý liên tục giảm giá

Nhiều cửa hàng đã chủ động giảm giá cả triệu đồng với hàng loạt các mẫu smartphone cao cấp nhằm vớt vát doanh số ở thời điểm các sản phẩm này đang ế ẩm.

Điện thoại mất giá, người dùng mất niềm tin vào sản phẩm, thị trường di động Việt Nam đang có dấu hiệu hỗn loạn nhất định ở phân khúc cao cấp. Nhận định nói trên nhận được nhiều sự đồng tình của các chủ hàng - những người cũng đang cảnh giác cao độ khi nhập bất cứ một sản phẩm nào về bán.

Mua smartphone cao cấp nghĩa là họ chấp nhận lao vào một cuộc chơi mà họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Khối tài sản trị giá cả chục triệu của họ có nguy cơ biến thành một món đồ có giá đôi, ba triệu chỉ trong nửa năm, một năm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, họ dám chơi, sẽ dám chịu.

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm