Ngay sau khi TP.HCM ban hành Chỉ thị số 10 tối 19/6, đại diện hệ thống Satra cho biết đã chuẩn bị sẵn các kịch bản nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.
Cụ thể, doanh nghiệp gia tăng sản lượng đặt hàng từ các nhà cung cấp, đồng thời tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp mới để đa dạng hóa chủng loại, phối hợp với chợ đầu mối Bình Điền nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thực phẩm như thịt, rau, củ và thủy hải sản tươi sống...
Bên cạnh đó, Satra cũng chú ý sắp xếp lại kho hàng để tăng diện tích sử dụng.
"Nhờ vậy, lượng hàng hiện có trong hệ thống đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng", vị đại diện này khẳng định.
Trong khi đó, chia sẻ với Zing, đại diện Central Retail (chủ sở hữu các chuỗi siêu thị Go!, Big C, Tops Market) cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng với tình huống giãn cách mới của TP.HCM.
"Chúng tôi có một kho dự trữ lớn cho các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, lượng đơn hàng online đang tăng đột biến nên chúng tôi đã tăng cường thêm nhân viên giao hàng để phục vụ khách", vị này nhấn mạnh.
Còn với VinCommerce và Saigon Co.op, nguồn hàng phong phú với giá tốt đã sẵn sàng cho 3-6 tháng tới. Theo đại diện VinCommerce, doanh nghiệp đã làm việc trước với cơ quan chức năng để đảm bảo các xe chở hàng hóa thực phẩm thiết yếu được lưu thông nhanh chóng và ổn định, nhất là tại các vùng bị cách ly, phong tỏa.
"Các loại hàng hóa đảm bảo luôn đầy ắp 100% dung lượng quầy kệ, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình hàng ngày luôn dự phóng sản lượng dư hàng để không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng", đại diện chuỗi VinMart, VinMart+ cho biết.
Hiện các hệ thống bán lẻ đều khuyến khích khách hàng đặt mua qua điện thoại, website, ứng dụng hoặc nền tảng của các đối tác bán hàng trực tuyến và thanh toán không tiền mặt nhằm đảm bảo thực hiện giãn cách một cách tốt nhất trong cao điểm dịch bệnh.
Thậm chí, tại Co.opmart, Co.opXtra, hoạt động phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng siêu thị đã được áp dụng từ đợt giãn cách xã hội trước nhằm tránh tình trạng khách kéo vào siêu thị quá đông.
Đại diện Saigon Co.op cho biết đang vận hành trơn tru hơn 800 cửa hàng, siêu thị trên cả nước, trong đó có gần 200 điểm bán ở TP.HCM, để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly.
Khi có thông tin ca nghi nhiễm liên quan, các siêu thị sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và phối hợp với cơ quan chức năng để rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa và khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên. Sau khi đáp ứng tất cả điều kiện an toàn, những điểm bán này sẽ nhanh chóng hoạt động trở lại.
Tại họp báo chiều 19/6, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu trên địa bàn và thiết lập đường dây nóng, yêu cầu các đơn vị cung ứng sẵn sàng liên lạc, trao đổi và đối phó khi có biến động.
Về cách thức vận chuyển hàng hóa, Sở thừa nhận còn nhiều khó khăn, do đó đã làm việc với các tỉnh, thành để có phương án giải quyết thuận lợi. Tại TP.HCM, cơ quan này đã thống nhất với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cho phép xe vận chuyển hàng hóa 24/24h. Doanh nghiệp có thể gửi thông tin trước cho Sở GTVT để nhận giấy phép lưu thông, sau khi đối chiếu có thể vận chuyển 24/24h.
Siêu thị sẵn sàng góp tiền để nhân viên sớm được tiêm vaccine
Các hệ thống bán lẻ cũng như tiểu thương các chợ, tạp hóa... đều đồng tình với đề xuất bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine mới đây của Bộ Công Thương.
Hàng hóa dồi dào trước giờ TP.HCM giãn cách xã hội
Các hệ thống siêu thị, chợ và điểm bán hàng thiết yếu vẫn mở cửa đón khách với lượng hàng hóa dồi dào trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Chỉ thị 10 của TP.HCM: Không tập trung quá 3 người, dừng chợ tự phát
23
Chỉ thị số 10 của TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động chợ tự phát, người dân giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m, không tập trung quá 3 người tại nơi công cộng.