Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, bà Phương, tiểu thương ở chợ Bình Khánh (quận 2, TP.HCM) phải tự chuẩn bị khẩu trang và mũ chống giọt bắn để hạn chế tiếp xúc với người mua hàng.
"Mỗi ngày có biết bao nhiêu người ghé sạp hàng, rủi có người nào mắc bệnh thì tôi cũng nguy, rồi lại thành nguồn lây cho nhiều người khác", bà bộc bạch.
Nếu đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối hàng hoá thiết yếu vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 được chấp thuận, những tiểu thương ở chợ, tạp hóa... như bà Phương hay nhân viên siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... sẽ bớt đi phần nào lo lắng.
Tiểu thương tại các chợ, tạp hóa... cũng như nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại đang mong mỏi được sớm tiêm vaccine. Ảnh: Phạm Trường. |
Nhu cầu chính đáng
Minh Nhật (20 tuổi, nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi ở quận 1, TP.HCM) cũng bày tỏ niềm vui khi đọc được thông tin về đề xuất của Bộ Công Thương.
Sau nhiều lần dịch bùng phát, nam sinh viên này phải nghỉ việc làm thêm lâu năm ở một quán cà phê. May mắn tìm được công việc mới ở cửa hàng tiện lợi, Nhật thừa nhận thu nhập tuy không cao nhưng là cứu cánh trong giai đoạn kinh tế gia đình gặp khó vì Covid-19.
Nếu được tiêm vaccine, việc đến chỗ làm hàng ngày sẽ không còn vừa mừng vừa lo
Minh Nhật, nhân viên một cửa hàng tiện lợi
"Vì là ngành thiết yếu nên cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động xuyên suốt các đợt dịch, tôi cũng đỡ đần ba mẹ được phần nào, nhưng cũng vì vậy mà mối lo lây nhiễm virus càng cao hơn.
Nếu được tiêm vaccine, việc đến chỗ làm hàng ngày sẽ không còn vừa mừng vừa lo như bây giờ nữa", Nhật chia sẻ.
Nói với Zing, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết đã làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đồng thời gửi công văn trình Bộ Công Thương và Chính phủ hôm 3/6 để đề xuất xem xét đưa nhân viên nhóm ngành bán lẻ và phân phối vào đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị nội dung này, dựa trên đề xuất và nhu cầu của các doanh nghiệp thành viên. "Đây thực sự là nhu cầu chính đáng", vị này nhấn mạnh.
Trong công văn kiến nghị trình Thủ tướng, Bộ Công Thương lý giải việc bổ sung này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Tương tự, VinCommerce cũng nêu rõ trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế rằng ngay tại các khu vực áp dụng Chỉ thị 16, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn luôn mở cửa phục vụ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chống găm hàng, chống tăng giá nhằm giữ ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
"Vincommerce với hệ thống 122 siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh thành trên cả nước với 22.206 cán bộ nhân viên mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng. Mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K để bảo vệ người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi đại dịch..., tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch Covid-19 rất cao", VinCommerce chia sẻ.
Nhân viên nhóm ngành bán lẻ và phân phối buộc phải tiếp xúc với hàng triệu lượt người mỗi ngày. Ảnh: Aeon. |
Với đề xuất của Bộ Công Thương, ông Furusawa Yasuyuki bày tỏ sự cảm kích và đồng tình cao. "Điều này sẽ đảm bảo công tác phục vụ người tiêu dùng không bị gián đoạn, góp phần đảm bảo an ninh xã hội trong đại dịch, chung tay thực hiện mục tiêu kép của quốc gia, vừa chống dịch vừa phát triển phục hồi kinh tế của đất nước", ông nhìn nhận.
"Đảm bảo tiêm chủng cho nhân viên tuyến đầu là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và việc làm đó cũng sẽ mang lại sự an toàn và thoải mái cho khách hàng khi mua sắm tại các cửa hàng của Central Retail", ông Olivier Bernard Langlet, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cũng khẳng định.
Sẵn sàng chia sẻ gánh nặng ngân sách với Nhà nước
Sáng 4/6, ông Olivier Bernard Langlet cùng ban lãnh đạo Tập đoàn Central Retail có mặt tại văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khu vực phía Nam để trao tặng số tiền 10 tỷ đồng.
"Trong đó, chúng tôi đóng góp 5 tỷ đồng vào quỹ vaccine phòng Covid-19; 5 tỷ đồng còn lại sẽ được sử dụng để mua vaccine cho nhân viên của Central Retail tại Việt Nam nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước", ông nói.
Trước đó, một lãnh đạo của Masan Group (chủ sở hữu VinCommerce) cũng cho biết đang chủ động tìm nguồn vaccine phòng Covid-19, với các chi phí kể cả lưu kho, vận chuyển... tự chi trả.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, một số doanh nghiệp thành viên sẵn sàng đóng góp nguồn kinh phí này, miễn người lao động sớm được tiêm phòng đầy đủ.
Ông Furusawa Yasuyuki cũng khẳng định đang cố gắng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, bảo quản vaccine Covid-19 để nhanh chóng hỗ trợ tất cả nhân viên của Aeon Việt Nam được tiêm vaccine.
Phụ thuộc vào số lượng vaccine được Chính phủ phân phối vào mỗi đợt, doanh nghiệp này sẽ sắp xếp thứ tự nhân viên được ưu tiên tiêm vaccine dựa trên tính chất công việc và mức độ tiếp xúc trực tiếp nhằm đảm bảo việc phục vụ khách hàng được liên tục.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có thể phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, cung cấp địa điểm tổ chức tiêm chủng cộng đồng tại các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị của Aeon Việt Nam để mang tới sự thuận tiện cho người dân", ông Furusawa Yasuyuki nói thêm.