Sáng 8/6, tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), VinCommerce chính thức cam kết thu mua 2.000 tấn sản phẩm.
Đáng chú ý, năm nay, ngoài mua trực tiếp vải thiều tại hệ thống hơn 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, người tiêu dùng còn có thể đặt mua tại gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực của VinCommerce, cho biết việc hợp tác với Lazada giúp doanh nghiệp bán lẻ này dần hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh, đồng thời đảm bảo an toàn mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vải thiều Lục Ngạn bán trên một sàn TMĐT. |
Năm nay cũng là lần đầu tiên hệ thống đại siêu thị Go!, Big C của Tập đoàn Central Retail tổ chức kích cầu tiêu thụ vải trên kênh online. Từ ngày 5-20/6, người dân có thể mua vải qua ứng dụng Go! & Big C hoặc các nền tảng trực tuyến của doanh nghiệp trên Zalo, Facebook, hotline và thông qua các đối tác như Tiki, GrabMart, NowFresh, Baemin.
Đại diện Central Retail cho biết tổng sản lượng tiêu thụ qua các kênh online dự kiến đạt khoảng 100 tấn.
Trong khi đó, sàn TMĐT Sendo lại tổ chức cho nông dân Bắc Giang thực hành livestream chốt đơn hàng ngay tại vườn.
Trong buổi livestream kéo dài 40 phút sáng 6/6, bà Đỗ Thị Vân và ông Hà Quang Thành đã dẫn 30.000 người xem tham quan vườn trồng vải thiều Lục Ngạn của gia đình, đồng thời giải thích quy trình trồng vải và cách nhận diện vải thiều, qua đó bán hết 8 tấn vải thiều.
Tính chung 2 ngày đầu tiên mở bán, nông dân Bắc Giang đã bán được gần 50 tấn vải thiều. Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cho hay đặt mục tiêu bán hết 100 tấn vải trong 10 ngày diễn ra chương trình. Ông gọi đây là cuộc chuyển giao công nghệ bán hàng giúp người nông dân có thêm phương tiện để xây dựng tương lai vững chắc cho nghề nông.
Năm nay, sản lượng vải thiều trên toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Đến ngày 7/6, lượng tiêu thụ đã đạt hơn 53.000 tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, với hơn 50% trong độ tuổi lao động, là một thị trường rất tiềm năng.
"Về lâu dài, chúng tôi nhận định các các doanh nghiệp cung ứng nông sản nên chú trọng vào thị trường nội địa. Thay vì coi đó là một nơi để cứu cánh khi thị trường xuất khẩu 'bế tắc', thì hãy có những chiến lược để phát triển ngay trên chính sân nhà", bà nhấn mạnh.