TP.HCM là thành phố tăng trưởng nhanh thứ 2 toàn cầu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Savills vừa công bố báo cáo về dự báo các khía cạnh kinh tế của 230 thành phố cho đến năm 2033 để xác định các thành phố phát triển nhanh nhất, dựa trên dữ liệu được lấy từ Oxford Economics ở cấp thành phố - vùng đô thị.
TP.HCM top 2, Hà Nội top 6
Đáng chú ý, cả TP.HCM và Hà Nội đều được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng trong danh sách này. Cụ thể, TP.HCM là thành phố đứng thứ 2 trong danh sách xếp hạng trung tâm tăng trưởng hàng đầu của Savills, chỉ xếp sau thành phố Bengaluru của Ấn Độ - nơi được dự báo có GRDP tăng trưởng hơn 68% trong thập kỷ tới.
Đồng thời, Hà Nội cũng là thành phố đứng vị trí thứ 6 trong danh sách 15 trung tâm tăng trưởng hàng đầu.
Các chuyên gia tại Savills nhận định tăng trưởng của TP.HCM được thúc đẩy bởi sự gia tăng lớn nhất về số lượng hộ gia đình thu nhập cao. Trong khi đó, triển vọng phát triển của Hà Nội lại dựa trên sự gia tăng tài sản cá nhân và tầng lớp trung lưu đang mở rộng.
Bảng xếp hạng 15 thành phố tăng trưởng theo chỉ số thành phố thích ứng. Nguồn: Savills Research. |
Báo cáo cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị đón nhận dòng vốn FDI mạnh mẽ trong thập kỷ tới thông qua những thay đổi đột phá về cơ sở hạ tầng, quy định và quy hoạch.
"Việt Nam đang dành tới 6% GDP để triển khai nhiều dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành và hàng nghìn km đường bộ, cảng biển mới. Đây được xem là mức đầu tư cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực", công ty nghiên cứu thị trường cho biết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thông qua kế hoạch trị giá 134,7 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào than và thúc đẩy cạnh tranh, quản trị và công bằng xã hội. Nhờ đó, nền tảng sản xuất công nghệ cao của Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và các công ty châu Âu.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành tại Savills Việt Nam cho rằng Việt Nam đã và đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang một quốc gia công nghệ cao, chuyên sâu, góp phần mang đến giá trị bền vững và tạo ra một nền kinh tế lớn hơn.
Hiện, các lĩnh vực mà Việt Nam có thể sản xuất là tấm pin mặt trời, xe điện, chip, pin laptop, điện thoại, màn hình và tất cả thành phần linh kiện liên quan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào một số nhà đầu tư lớn như Samsung hay LG.
"Không nên bỏ qua sản xuất truyền thống"
Theo nghiên cứu của Savills, bên cạnh công nghệ, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố then chốt thúc đẩy các thành phố trong khu vực phát triển mạnh mẽ hơn.
Dẫu vậy, khả năng cạnh tranh sản xuất truyền thống của khu vực vẫn là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng. "Chúng ta không nên bỏ qua các động lực sản xuất truyền thống", ông Simon Smith, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn tại Savills Châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Theo ông, khi quỹ đất và lao động truyền thống đang trở nên đắt đỏ hơn, các ngành công nghiệp theo đó cũng sẽ cân nhắc di dời sang các khu vực khác. "Và chi phí không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy việc di dời mà còn có cả nhu cầu linh hoạt của doanh nghiệp để đa dạng hóa hoạt động trong khu vực", vị chuyên gia phân tích thêm.
Ông lấy dẫn chứng sự dịch chuyển chuyển sản xuất nội vùng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á là một trong nhiều diễn biến thú vị đang diễn ra. "Bắc Á đang già hóa với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn còn trẻ. Họ vẫn đang trong giai đoạn trẻ trung và đô thị hóa", ông Smith nói.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.