Gia đình bà Trương Thị Lực (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phải thắp đèn ăn cơm tối vì điện chưa có trở lại. Ảnh: Khánh Nhàn. |
Tối 30/9, gia đình bà Trương Thị Lực (49 tuổi, ngụ thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phải chong đèn để lấy ánh sáng ăn cơm. Hai con của bà cũng phải học bài trong điều kiện thiếu sáng.
Kể từ khuya 27/9, đây là ngày thứ 3 liên tiếp khu vực này mất điện sinh hoạt do bão Noru. Đầu giờ chiều, điện đã có trở lại, song một thời gian ngắn lại đột ngột cúp cho đến nay. Nhiều thiết bị điện tử của người dân bị hư hỏng do sự cố điện chập chờn.
"Khu vực này cây gãy đổ nhiều nên có thể đường dây điện phải sửa chữa lâu hơn. Sau bão nước giếng đục ngầu. Chúng tôi sinh hoạt như 30 năm về trước, vừa thiếu nước sạch, vừa mất điện", bà Lực nói.
Nhiều ngày không có điện sinh hoạt, gia đình bà Lực bị đảo lộn sinh hoạt. Người phụ nữ này phải đem điện thoại, đèn pin sạc nhờ các vùng lân cận. Thời tiết nóng bức khiến người trong gia đình nhiều đêm liền mất ngủ.
Thay vì dùng nước từ bồn chứa, bà phải dùng gàu múc nước từ giếng để tắm rửa, vệ sinh nhà cửa sau khi nước, đất tràn vào nhà trong cơn bão Noru.
"Công việc đình trệ, vài ngày nay tôi chỉ lo múc nước, sạc điện, dọn dẹp nhà", bà Lực nói.
Em Lê Thị Phú Nhàn (học sinh lớp 6, trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Phú Ninh, Quảng Nam) học bài trong điều kiện thiếu sáng vì chưa có điện tối 30/9. Ảnh: Khánh Nhàn. |
Cạnh đó, nhiều gia đình không thể sản xuất, kinh doanh, một số lò ấp gà, trại chăn nuôi bị thiệt hại khi điện có rồi lại tắt.
Bà Dương Thị Nguyệt (56 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đậu hũ) phải đổ bỏ 40 kg đậu nành đang làm dang dở trong chiều 30/9. Nhiều thức ăn, nguyên liệu sản xuất đang bỏ tủ lạnh, bà Nguyệt phải dùng tạm thùng đá để ướp, chờ điện có trở lại.
"Vừa có điện lại là tôi xay đậu chuẩn bị làm. Nhưng điện chỉ có một chút rồi tắt khiến tôi phải đổ bỏ hết nguyên liệu. Một số đậu nành còn mắc kẹt trong máy", bà Nguyệt than thở.
Sau bão Noru đổ bộ, Quảng Nam mất điện diện rộng. Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết có 449.760 khách hàng ở 221/241 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Đơn vị huy động 820 người, 20 phương tiện cẩu tải để khắc phục sự cố. Đến sáng 30/9, gần 350.000 khách hàng có điện trở lại.
Nhiều người dân dùng pin sạc để thắp sáng khi điện chưa kịp có trở lại. Ảnh: Thảo Giang. |
Chính quyền Quảng Nam cũng huy động công an, quân đội giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Nhiều tuyến đường có cây xanh gãy đổ được dọn dẹp, nhà dân tốc mái được sửa chữa.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.