"Còn gì nữa đâu. Nhà cửa của tôi bị bão cuốn đi hết rồi", bà Minh Dung (72 tuổi, ngụ xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nghẹn ngào nói với Zing trưa 28/9, khi đang đứng dưới ngổn ngang gạch đá, mái tôn đổ nát xuống nền nhà.
Lúc này, trời vẫn mưa nặng hạt, gió đã ngớt khi cơn bão Noru dần suy yếu.
Tan hoang
Trong dòng người tìm chỗ trú bão chiều qua, bà Minh Dung cùng con gái út tới người thân ở trung tâm TP Tam Kỳ để trú ẩn. Trước khi đi, người phụ nữ này cùng gia đình đã cho nước vào bao nylon cột chặt lên mái nhà, dùng dây thép buộc lại những chỗ dễ bay, đóng kín cửa để gió không luồn qua khe hở.
Không yên tâm về tài sản bỏ lại, nhưng nghĩ "còn người, còn của", bà Dung đành tìm chỗ trú ẩn khi lòng vẫn nơm nớp lo sức tàn phá của thiên tai.
Suốt đêm, người phụ nữ 72 tuổi bồn chồn không ngủ được khi nghe từng đợt gió rít. Vừa sáng sớm, bà đã vội chạy về nhà. Đi được một đoạn thì lối rẽ vào nhà bà Dung bị bít lại vì cây cối bị bão quật ngã rạp xuống đường. Sốt ruột, bà băng qua con đường khác để cố về được nhà.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Minh Dung tốc mái, đổ nát trong cơn bão. Ảnh: Diệu Hương. |
"Từ xa, tôi đã thấy nhà trống hoác. Lúc đó tay chân bủn rủn, lo lắng không yên", bà Dung kể và cho biết về đến nơi thì nhìn thấy căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, nhiều mảng tường lớn ngã đè lên đồ đạc.
"Tất cả như đống đổ nát. Ngôi nhà là tất cả tài sản tôi tích cóp xây 10 năm trước. Bây giờ thì không còn gì nữa", bà Dung nghẹn ngào.
Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, quá quen với cảnh bão lũ, nhưng chưa bao giờ người phụ nữ này chứng kiến cơn bão có sức gió mạnh như Noru.
Trong cơn mưa trưa 28/9, mẹ con bà Dung ăn mì tôm lót dạ. Dưới đống ngổn ngang, bà chưa biết sẽ dọn lại từng thứ như thế nào. Chỉ chờ mưa ngớt, mới có thể nhờ người dọn dẹp tường gạch đổ nát, lượm tôn bay qua những nhà xung quanh. Những vật dụng nào còn có thể sử dụng, bà Dung sẽ sửa chữa lại để dùng.
"Tôi điện thoại hỏi thăm, nghe mẹ khóc nghẹn mà xót xa quá. Con cái ra riêng, chỉ có mẹ và đứa em út sống ở nhà. Nhà đã mất trắng, nhưng chúng tôi không đủ kinh phí để xây mới", chị Hiền, con gái bà Dung xót xa.
Mất trắng
Ở huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam, căn nhà của ông Thái Viết Cảnh (70 tuổi, ngụ thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) cũng bị tốc mái hoàn toàn. Trong xóm, cây ăn trái lâu năm của những nhà khác bị ngã rạp. Điện mất từ rạng sáng đến nay vẫn chưa có lại.
"Nhà tốc mái nên đồ đạc ướt hết. Nhưng rất may người vẫn an toàn", ông Cảnh cho biết.
Căn nhà của ông Thái Viết Cảnh (70 tuổi, ngụ thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) tốc hết mái. Ảnh: Ngọc Khanh. |
Ngoài thiệt hại về nhà cửa, nhiều tài sản của người dân ở Quảng Nam cũng bị bão cuốn đi.
Đàn gà hơn 200 con của anh Phan Văn Phước (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị chết sau cơn bão.
“Ai khóc nỗi đau này” là câu nói anh chia sẻ lên trang cá nhân khi nhìn thấy đàn gà với công sức nuôi nấng bao lâu đã không còn. Dưới bài đăng, rất nhiều người chia sẻ với mất mát của gia đình anh Phước.
Đàn gà hơn 200 con của anh Phan Văn Phước (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị chết sau cơn bão. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, những người không có mặt ở nhà thấp thỏm lo sợ khi bão tới. Đang có chuyến công tác tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), anh Phan Viết Hải cả đêm qua không thể chợp mắt, khi ở nhà tại huyện Quế Sơn là người mẹ lớn tuổi, vợ và con mới hơn một tháng tuổi.
Sáng nay, khi gọi về gia đình để nắm tình hình bão, anh nhận được tin vui là cả nhà an toàn. Lúc rạng sáng, tấm la phông rơi ngay chỗ con anh Hải nằm, song mẹ của anh may mắn đỡ được.
“Tôi nghe xong mà thót tim. May mắn tay mẹ tôi chỉ trầy xước nhẹ. Nếu bà không đỡ kịp thì không biết hậu quả sẽ ra sao”, anh Hải nói.
Tuyến đường DT606 liên huyện, từ xã Lăng tới xã Tr'hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam không thể di chuyển do sạt lở, sáng 28/9. Ảnh: Phan Viết Hải. |
Thống kê ban đầu tại tỉnh Quảng Nam, tính đến trưa 28/9, 72 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 2 trường học bị tốc mái, hư hỏng tại huyện Quế Sơn, 7 trụ sở làm việc của công an tỉnh và các địa phương bị thiệt hại.
Tại huyện Núi Thành, có 4 chiếc tàu cá, câu mực bị chìm, một số tuyến đường các huyện miền núi ở Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Hiệp Đức bị sạt lở. Hiện 4.000 trạm biến áp bị mất điện nhưng chưa khôi phục.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.