Trung Quốc huy động toàn lực để đóng giàn khoan Hải Dương 982 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Việc đóng giàn khoan này được liệt là "một trong 10 chương trình trọng điểm" của Trung Quốc. Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới nhà máy để kiểm tra tiến độ đóng mới và động viên các chuyên gia và công nhân.
Giống với giàn khoan Hải Dương 981, 982 ra đời với mục đích hoạt động ở Biển Đông với khả năng chống những cơn bão cực mạnh, Báo điện tử chính phủ dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Với tuổi thọ dự tính 25 năm, giàn khoan Hải Dương 982 được thiết kế phù hợp hoạt động ở độ sâu tới 1.500 m ở mọi vùng biển trên thế giới, khoan sâu tối đa 9.144 m, mang hệ thống định vị động lực DP3 và dự tính sẽ được bàn giao vào tháng 8/2016.
Giàn khoan Hải Dương 981 là sản phẩm của Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) trong khi giàn khoan 982 lại do Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đóng. Cả CSSC và CSIC đều nằm trong số 10 đơn vị công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc nhưng CSSC phụ trách mảng phía nam và phía đông, còn CSIC phụ trách mảng phía bắc và tây Trung Quốc. CSIC quản lý nhà máy đóng tàu Đại Liên.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Không chỉ đóng thêm giàn khoan 982, Thanh Niên dẫn nguồn báo mạng Hải Dương Trung Quốc (ocean.china.com.cn) cho hay, ngày 30/10/2013, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải, Công ty TNHH công trình Hải Dương thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Đại Liên, và Công ty TNHH công nghiệp nặng Thâm Quyến đã ký hợp đồng đóng cả giàn khoan dầu Hải Dương 943 và 944 với tổng trị giá 6,65 tỷ nhân dân tệ.
Giàn khoan Hải Dương 943 sẽ được thiết kế tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, và có thể khoan sâu tối đa tới 10.668 m. Giàn khoan 944 sẽ chủ yếu hoạt động ở các khu vực đất mềm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 122 m và khoan sâu tối đa tới 9.144 m.
Căng thẳng Biển Đông tăng cao sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Chính phủ Việt Nam kiên trì phương pháp phản đối trong hòa bình, liên tục yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngoan cố duy trì Hải Dương 981. Theo phân tích của các chuyên gia, rất có thể Trung Quốc sẽ "kéo lê" giàn khoan khắp Biển Đông cho tới khi tìm ra dầu khí.
Reuters dẫn lời một số chuyên gia công nghiệp của Trung Quốc cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981, từng được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gọi là "lãnh thổ quốc gia di động", sẽ di chuyển sau khi hoàn tất quá trình thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo các chuyên gia này, những khu vực đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa.