Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng tại Đại học Hạ Môn, khẳng định: “Giàn khoan Hải Dương 981 được chế tạo để khai thác dầu ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển đến các vùng nước sâu tại một số khu vực khác trên Biển Đông”.
Reuters cũng dẫn lời một số chuyên gia công nghiệp khác của Trung Quốc cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981, từng được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gọi là "lãnh thổ quốc gia di động", sẽ di chuyển sau khi hoàn tất quá trình thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo các chuyên gia này, những khu vực đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews |
Dù Trung Quốc chưa công bố kết quả lần thăm dò đầu tiên gần quần đảo Hoàng Sa của giàn khoan một tỷ USD nhưng ngày 27/5, Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thông báo họ hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong hoạt động khoan dầu và đã dịch chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý.
Giới chuyên gia Trung Quốc tin rằng, giàn khoan Hải Dương 981, đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tìm thấy khí đốt hoặc dầu mỏ để đáp ứng cơn khát năng lượng của Bắc Kinh bất chấp việc phải sử dụng tới vũ lực.
Để đảm bảo giàn khoan trái phép của mình, Trung Quốc liên tục xua nhiều tàu xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam.
Ngày 26/5, một tàu cá Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Việt Nam ở khu vực cách vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý về phía nam tây nam.
Thời điểm xảy ra sự việc có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trên ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.