Phóng viên Euan McKirdy của CNN và nhiều đồng nghiệp khác lên tàu công vụ Việt Nam tới vùng biển Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, nơi ông gọi là vùng biển “nóng bỏng nhất thế giới”. McKirdy kể về hành trình của ông và các đồng nghiệp trong bài báo vào ngày 28/5.
Các tàu đấu vòi rồng ở vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: CNN |
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian chờ đợi trên đất liền và lênh đênh trên biển để tới vùng biển nóng. Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo thuận lợi cho chuyến đi của các nhà báo châu Á và Mỹ. Trong cuộc họp báo trước khi tàu khởi hành, chúng tôi biết tin Bộ Ngoại giao Việt Nam không thông báo cho phía Trung Quốc về sự hiện diện của các nhà báo quốc tế. Tuy nhiên, một quan chức cảnh sát biển cho rằng rất có thể Trung Quốc biết sự hiện diện của giới truyền thông.
Ngày 26/5, một tàu cảnh sát biển nhỏ đưa chúng tôi rời Đà Nẵng lúc mặt trời vừa khuất bóng, thẳng tiến về phía quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Hành động đặt giàn khoan của Bắc Kinh gây ra phản ứng mạnh từ phía Việt Nam. Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp nhanh gọn và không đổ máu.
Theo phóng viên của CNN, ít nhất một bên đã tuân thủ những tuyên bố. “Sĩ quan Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển đưa chúng tôi tới vùng biển nóng, khẳng định: Cảnh sát biển Việt Nam cam kết giải quyết tình hình một cách hòa bình", McKirdy nói.
Con tàu chở chúng tôi mang theo một pháo 125 mm ở mũi và hai súng máy cỡ nòng 14,5 mm ở phía sau. Đây là loại tàu thực hiện mọi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Một số tàu còn chở các thùng nhựa lớn chứa 10 gallon (gần 40 lít) nước uống, một phòng bếp đầy rau xanh và những con gà để làm lương thực cho các chuyến đi dài ngày.
Tàu công vụ Trung Quốc và Việt Nam lướt qua nhau trên biển. Giàn khoan Hải Dương 981 ở góc cao bên phải. Ảnh: CNN |
Khi mặt trời mọc lần thứ hai, tàu vẫn chưa tới đích. Gần trưa, chúng tôi thay đổi phương tiện di chuyển giữa biển. Khi gần tới khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi chuyển sang tàu số hiệu 8003, con tàu lớn hơn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Chúng tôi tới vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cắm “cờ”. Lần này, “cờ” của phía Bắc Kinh là giàn khoan bán chìm, hình thành từ những khối kim loại khổng lồ. Thông qua giàn khoan, Trung Quốc muốn khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền sở hữu của họ.
Lúc chúng tôi tới khu vực Trung Quốc từng đặt giàn khoan thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNOOC), Bắc Kinh đã di dời nó. Thay đổi vị trí của khối kim loại khổng lồ, khó điều khiển là nhiệm vụ nặng nề, song nó cũng ẩn chứa những âm mưu chính trị.
Chúng tôi biết, Trung Quốc bắt đầu di dời giàn khoan trong sáng ngày 26/5 và hoàn tất quá trình này lúc 22h30, chỉ vài giờ sau khi tàu chở chúng tôi rời bến. Khi tàu tới nơi, mọi người nhận ra những chấm nhỏ phía đường chân trời là những con tàu. Đó là một đội tàu nhỏ, hay nói chính xác hơn là hai đội tàu riêng biệt của Việt Nam và Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: CNN |
Mớ hỗn độn ấy là những chiếc tàu cá và tàu quân sự. Chúng vẫn hoạt động ở vị trí cũ của giàn khoan. Dường như chúng đang tập luyện một vũ điệu trên nền biển xanh mênh mông, trải dài vô tận.
Đó là những vũ điệu sống động, xen kẽ giữa sự giận dữ và cương quyết, nhằm cảnh báo Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Những tiếng còi báo động chói tai liên tục vang lên, xé nát không khí của buổi chiều mùa hè yên bình và đầy nắng. Thuyền trưởng Hoàng nói: “Tôi làm nhiệm vụ trên biển nhiều lần nhưng thời gian gần đây tôi thấy rõ Trung Quốc tăng cường khiêu khích với Việt Nam. Tôi tự hào khi bảo vệ tổ quốc”.
Vũ điệu nguy hiểm trên biển diễn ra dưới sự giám sát bởi đội tàu công vụ của hai nước. Những chỉ huy tàu công vụ hiểu rõ hậu quả nếu họ đối đầu nhau. Những vũ điệu vẫn tiếp diễn dù vài giờ trước đó, một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam. Sự cố không gây ra thiệt hại về người nhưng đây là lần đầu tiên một tàu đắm do va chạm kể từ thời điểm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang.
Vào lúc chiều tối, một trong những tàu cảnh sát biển cỡ lớn của Trung Quốc áp sát tàu của chúng tôi như thể muốn đẩy chúng tôi. Không ai trên tàu 8003 tỏ ra quá lo lắng dù mọi người đều mặc phao.
Ở bên phía mạn phải, hai tàu khác của Trung Quốc đang quấy rối một tàu cá nhỏ hơn của Việt Nam. Những hành động tương tự đẩy hai nước vào tình cảnh nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên nguy cấp nếu các quốc gia chủ chốt trong khu vực để sức nặng bá quyền của Trung Quốc đè nén.