Không những sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một “hạm đội” ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn mở một chiến dịch nói xấu, thổi phồng tình trạng của một số kẻ quá khích vì phẫn nộ Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để xóa nhòa hình ảnh hiếu chiến mà Trung Quốc đã phơi bày.
Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam. |
Ngay cả một số hãng thông tấn vốn vẫn giữ tư tưởng bảo thủ cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Dưới tiêu đề Giàn khoan Hải Dương - 981: Trung Quốc tung đòn bôi nhọ Việt Nam, đài RFI tiếng Việt đã vạch trần thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc.
Bài viết mở đầu: “Lợi dụng sự kiện một số thành phần bất hảo tại Việt Nam mượn danh nghĩa biểu tình chống Trung Quốc xâm lược để đập phá không cơ sở của người Trung Quốc, Bắc Kinh đã thổi phồng tình trạng bạo lực tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của công luận thế giới”.
Bài viết chỉ rõ, dấu hiệu rõ nhất cho thấy sách lược Trung Quốc đang tiến hành có một số hiệu quả là nội dung những bài viết của báo giới quốc tế trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương - 981.Trong khoảng một tuần lễ đầu, sau khi Việt Nam công khai lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc dùng sức mạnh cắm giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, dư luận quốc tế đã rất thông cảm với Việt Nam, và thường xuyên dùng đến các từ ngữ như "khiêu khích", "phi pháp", thậm chí "ức hiếp nước nhỏ" để chỉ hành động của Trung Quốc. Và sau những vụ đập phá cơ sở bị cho là của người Trung Quốc tại khu công nghiệp Bình Dương, báo chí quốc tế như lại tập trung khai thác đề tài này, với lượng bài viết về diễn biến tại khu vực giàn khoan ngoài Biển Đông ít hơn.
Bài báo chỉ rõ tính chất nham hiểm của truyền thông Trung Quốc: "Nguy hiểm hơn là Bắc Kinh còn nhấn mạnh đến tính chất môi trường kinh doanh thiếu an toàn tại Việt Nam".
Bài báo nhấn mạnh, sách lược bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam được tiến hành cả trên bình diện ngoại giao lẫn báo chí.
Theo ông David Koh, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, động thái của Trung Quốc gửi tàu đến di tản công nhân của họ "có lẽ là một phản ứng thái quá". Hãng tin Mỹ Bloomberg trích lời chuyên gia này phân tích thêm: "Đây có phải là một hành động cố tình, mang ý nghĩa của một tuyên bố chính trị hay không, điều đó rất khó nói. Trong thực tế, tín hiệu đó cũng có thể là nhằm hướng tới người dân Trung Quốc, để nói với họ rằng nhà nước Trung Quốc thực sự quan tâm đến họ".