Thông báo trên trang web Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ngày 3/6/2014 viết: “Căn cứ trình tự thủ tục số 2, Tòa án trọng tài ấn định ngày 15/12/2014 là thời hạn cho Trung Quốc để nộp văn bản lập luận đối với hồ sơ khởi kiện của Philippines”.
Theo Inquirer, sau khi xem xét quan điểm của các bên, tòa án trọng tài sẽ quyết định quá trình tiếp theo của thủ tục tố tụng bao gồm lên kế hoạch cho các hoạt động đệ trình văn bản và điều trần ở một thời điểm thích hợp sau đó.
Philippines đâm đơn kiện về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. |
Philippines đã khởi kiện Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông ra Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) vào tháng 1/2013. Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan đã được chọn là nơi đăng ký thủ tục tố tụng.
Nội dung khởi kiện của Philippines xuất phát từ tuyên bố của Trung Quốc về "chủ quyền không thể tranh cãi nằm trong khu vực đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông", bao gồm một số vùng nằm trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và nhiều nước khác. Manila đã nộp hồ sơ gồm văn bản biện luận ra tòa vào cuối tháng 3/2014 theo yêu cầu của PCA.
Manila khẳng định theo Luật biển Điều 89, “các quốc gia không thể coi phần nào của biển khơi thuộc chủ quyền của mình”. Philippines nêu lên điểm này vì cho rằng Trung Quốc đã dựa vào lập luận đường 9 đoạn để chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền ở những vùng đáng lẽ thuộc về Philippines và các nước khác.
Quan điểm của Trung Quốc đến nay là không chấp nhận giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế, cũng như không tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi xướng. Trung Quốc ngày 4/6 mạnh mẽ khước từ yêu cầu gửi phản biện về vụ kiện “đường lưỡi bò” gây tranh cãi với Philippines, quyết không chấp nhận phân xử tranh chấp lãnh thổ với Manila qua Tòa án trọng tài quốc tế.
“Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường không chấp nhận hoặc tham gia vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines”, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố tại Bắc Kinh.
Phản ứng của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Ông Rommel Banlaoi, chủ tịch Viện nghiên cứu khủng bố, bạo lực và hòa bình của Philippines ngày 4/6 nhấn mạnh: “Dựa trên những hiểu biết của tôi, Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ qua các yêu cầu (của Tòa án quốc tế). Ngay cả khi tòa án ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này, Bắc Kinh tiếp tục làm ngơ, đặc biệt là nếu phán quyết không có lợi cho Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), dù Trung Quốc không chấp nhận tham gia vụ kiện nhưng nếu càng nhiều nước ủng hộ Philippines đưa vụ việc ra Toà án trọng tài quốc tế thì càng có nhiều khả năng Trung Quốc ít nhất sẽ phải tính đến cái giá về uy tín quốc tế mà họ phải trả trong những vụ việc như thế.
Chia sẻ quan điểm này, thạc sĩ luật Nguyễn Hùng Cường ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vụ kiện cho thấy Philippines rất khôn ngoan khi mọi giải pháp ngoại giao đã thất bại. Mục tiêu của họ là công khai hóa, thể hiện lẽ phải trong khi Trung Quốc không tuân thủ luật pháp, không có chính nghĩa.