Hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, ông Vương Quán Trung, cho rằng Bắc Kinh ủng hộ và xây dựng một khái niệm an ninh mới cho châu Á, rằng nước này sẵn sàng “bắt tay” với các quốc gia khác nhằm theo đuổi chính sách an ninh có lợi cho tất cả các bên. Ông Vương nói an ninh Trung Quốc liên quan chặt chẽ tới an ninh của châu Á.
“Trung Quốc đã thể hiện tính chủ động, tích cực trong việc xây dựng hòa bình và an ninh tại châu Á bởi lẽ chúng tôi luôn theo đuổi con đường phát triển hòa bình”, Tân Hoa Xã viện dẫn lời khẳng định của tướng Vương tại diễn đàn.
Trung tướng Vương Quán Trung, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, vỗ tay trong một phiên họp tại Đối thoại Singapore hôm 1/6. Ảnh: Reuters |
Trong Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, theo Tân Hoa Xã, đoàn đại biểu Trung Quốc đã tích cực ủng hộ và xây dựng khái niệm an ninh mới cho châu Á. Theo bài báo, các đại biểu tham dự Shangri-La lần thứ 14 ủng hộ khái niệm an ninh mới của Bắc Kinh vì "nó mang lại lợi ích cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".
Phản ứng trước các bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đối thoại Sangri-La, Tân Hoa xã viết: “Các bài phát biểu của cả hai ông, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều đổ thêm dầu vào lửa và liên tục kích động các tranh chấp hiện nay. Là các cường quốc có trách nhiệm, lẽ ra họ phải thực hiện những hành động cụ thể để giải quyết một cách hiệu quả các tranh chấp thay vì trò thọc gậy bánh xe".
Nội dung thảo luận tại diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương qua bài viết trên Tân Hoa Xã hoàn toàn trái ngược với những thông tin trên báo giới khu vực và phương Tây về Shangri-La. Phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2014 liên tục hứng chịu phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế bởi tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản đã thẳng thắn chỉ trích hành vi mang tính khiêu khích, thô bạo của Bắc Kinh tại Biển Đông thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện để phê phán Trung Quốc. Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang “lầm đường lạc lối”.
Thậm chí sau bài phát biểu Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, mọi người dành tới 9/12 câu hỏi để chất vấn tướng Vương, mặc dù Thứ trưởng quốc phòng Nga cũng ngồi ở đó.
Đại diện của báo Financial Times đặt câu hỏi: “Tôi không biết, không hiểu đường chín đoạn là gì. Xin ông giải thích căn cứ của nó ở đâu”. Một đại biểu từ Ấn Độ nói thẳng: “Đường chín đoạn thách thức mọi luật pháp, thông lệ quốc tế”.
Các đại biểu khác hỏi: “Ông nói Trung Quốc chỉ đáp trả các hành động khiêu khích chứ không bao giờ khiêu khích. Xin ông hãy nói xem Việt Nam đã khiêu khích gì Trung Quốc ở Hoàng Sa để các ông kéo giàn khoan của CNOOC vào đó?” hay “Ông nói về xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Vậy Trung Quốc có định xây dựng quan hệ kiểu mới giữa nước lớn và nước nhỏ không?”.
Với những câu hỏi này, tướng Vương chỉ trả lời lòng vòng mà không nêu ra bất cứ căn cứ pháp lý hợp lý nào. Ông ta bịa đặt rằng đường chín đoạn Trung Quốc “đã tồn tại từ 2.200 năm trước” nhưng mãi tới năm 1949 họ mới công bố.
Nhà nghiên cứu Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, đánh giá: “Phần trả lời của ông Vương về đường chín đoạn phủ nhận hoàn toàn luật biển quốc tế”.
GGiáo sư Carl Thayer - một nhà nghiên cứu của Đại học New South Wales, Australia - nói Trung Quốc đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ.
"Trung Quốc nói họ theo luật lệ quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi Trung Quốc: Luật khác đó là luật nào? Sau đó, họ vận dụng lịch sử, nhưng đó lại là lịch sử mà họ nhào nặn".