Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc khoan trúng 'núi lửa', loay hoay trong sự bẽ bàng

Giàn khoan Hải Dương 981 được sử dụng như một hòn đảo di động để giành chủ quyền, nhưng chính giàn khoan này đang lôi Trung Quốc vào một vũng lầy khó thoát.

Mục đích và thực tế

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc mang đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một giàn khoan bán chìm, công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, được người Trung Quốc tung hô là "tượng đài của sức mạnh năng lượng Trung Quốc".


Tuy nhiên, không chỉ sử dụng trong mục đích kinh tế, giàn khoan này còn được Bắc Kinh sử dụng như một hòn đảo di động để áp đặt việc giành giật chủ quyền trên biển. Theo kế hoạch đề ra, Hải Dương 981 sẽ khoan thử nghiệm tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng thực tế, giới chuyên gia cho rằng nơi đây nhiều khả năng không có dầu. Vậy Trung Quốc muốn khoan gì ở đó?

Họ muốn khoan thử nghiệm vào phản ứng của thế giới trước sự ngang ngược của họ. Họ muốn khoan thử vào lòng dân Việt Nam, để xem sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, nhiều thế hệ mới ra đời có còn lòng tự tôn dân tộc như ngày còn chiến tranh.

Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ.
Giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu kéo bảo vệ.

Có lẽ, đó mới chính là những mũi khoan mà Trung Quốc muốn thử nghiệm. Tiếc rằng, lần này Trung Quốc đã khoan phải miệng núi lửa chứ không phải mỏ dầu. Giàn khoan Hải Dương 981 đã kích hoạt lòng yêu nước của người dân Việt Nam, và đây cũng là thứ vũ khí mãnh liệt nhất, lợi hại nhất mà dân tộc này có, từ bao đời nay.

Một giàn khoan Hải Dương 981 như một giọt nước làm tràn ly, Việt Nam đã nhận thấy nhiều điều, cần xem xét nhiều thứ, mà trên hết, chủ quyền đang bị đe doạ.

Với cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh sai lầm lớn hơn trên phương diện này. Họ bày ra những lời biện minh ngây ngô, như tàu cá Việt Nam muốn tấn công giàn khoan nên tự chìm, cảnh sát biển Việt Nam đâm lực lượng chấp pháp Trung Quốc 171 lần hay tàu kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá vỏ sắt Trung Quốc...

Bắc Kinh quên rằng thế giới đang ở thế kỷ 21, khi đang ở trong một "thế giới phẳng", bạn sẽ không thể che giấu điều gì. Đây không phải cuộc đấu khẩu giữa Bắc Kinh và Hà Nội, bởi những phóng viên quốc tế đang làm nhiệm vụ tương tự như những quan sát viên Liên Hiệp Quốc, và sự thực được phơi bày trước ống kính của họ.

Vũ điệu nguy hiểm của tàu Trung Quốc gần giàn khoan 981

Phóng viên của CNN đến vùng biển đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc nơi ông coi là khu vực biển nóng bỏng nhất hành tinh.

Tại hội nghị Shangri-La 2014, phái đoàn của Trung Quốc có một nhân vật rất đáng chú ý là bà Phó Oánh. Nhân vật này được báo chí phương Tây xưng tụng là người phụ nữ có tài hùng biện nhất Trung Quốc, là "nắm đấm thép bọc nhung", người có khả năng "thổi tung bất kỳ ai ra ngoài trái Đất bằng lời nói". Nhân vật này đủ cho thấy Trung Quốc muốn hơn thua ở diễn đàn này.

Tuy nhiên, sự thực mà Bắc Kinh đang phải thừa nhận là họ đã tự thổi mình ra khỏi thế giới khi không nhận được bất kỳ một lời ủng hộ nào cho chiến lược, sách lược chủ quyền của họ.

Đồng thời, Trung Quốc đã tạo ra một cái cớ để Nhật Bản bất chiến tự nhiên thành. Thay vì chạy đua tiền bạc với Trung Quốc trong những gói đầu tư, những nguồn vốn vay ưu đãi, Nhật Bản bỗng dưng trở thành người nói lời chính nghĩa, là bậc quân tử. Nhật Bản tỏ ra cho ASEAN thấy có đại nạn mới tỏ tình bằng hữu, và ASEAN chắc chắn sẽ nắm lấy bàn tay mà Nhật đang chìa ra. Trong cuộc đua ngoại giao, ảnh hưởng này, Trung Quốc đã thua.

E ngại Trung Quốc, châu Á sẽ mở rộng vòng tay với Nhật

Sự thay đổi trong chính sách quân sự của Nhật Bản có thể sẽ là một giải pháp đảm bảo an ninh cho châu Á trong bối cảnh Trung Quốc làm tăng căng thẳng trong khu vực.

 

Việt Nam có thể làm gì?

Dù biết rằng giàn khoan Hải Dương 981 kéo Trung Quốc vào một bãi lầy, nhưng thói dân tộc chủ nghĩa, quan điểm thiên triều ăn sâu vào tiềm thức những người lãnh đạo Trung Quốc. Họ cho rằng họ đang dư thừa sức mạnh. Bãi lầy đang kéo họ xuống kia, họ lại nghĩ rằng đã đặt một chân lên việc hiện thực hoá giấc mơ đẹp về một Đại Trung Hoa.

Việt Nam lên án, thế giới phản đối, cô lập hoàn toàn, nhưng với giàn khoan này, Trung Quốc lâm vào 3 trường hợp: hoặc cố đấm ăn xôi, chịu nhiều tốn kém, duy trì đến đúng lộ trình tháng 8 sau đó rút về; hoặc rút ngay về nước hay một căn cứ quân sự nào gần đó.; ba là để luôn giàn khoan ở lại Hoàng Sa hoặc xa hơn là Trường Sa.

Biện pháp một là thượng sách, hai là trung sách, 3 là hạ sách với Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh dùng phương pháp thứ 3, điều này chứng tỏ khát vọng, dã tâm của Trung Quốc đã không thể kìm chế.

Những 'gáo nước lạnh' Trung Quốc nhận ở Shangri-La

Phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2014 liên tục hứng chịu phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế bởi tham vọng độc chiếm Biển Đông.

 

Trong những hoàn cảnh đó, Việt Nam làm được gì? Điều khả dĩ nhất lúc này là kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Nếu kiện, Việt Nam sẽ thắng. Nếu thắng, đó cũng chỉ là chiến thắng trên bàn ngoại giao, trên phương diện thủ tục pháp lý.

Và biện pháp tốt nhất vào thời điểm này, đó là quốc tế hóa, đưa vấn đề Biển Đông ra thế giới một cách công khai, Việt Nam có thể hoàn toàn mang những lợi ích kinh tế trên vùng đặc quyền của mình để hợp tác với đa dạng các quốc gia.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-khoan-trung-nui-lua-loay-hoay-trong-su-be-bang-3040564/

Theo Đỗ Minh Tú/Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm