Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Satra đã nhận bao nhiêu tiền từ liên doanh bán bia với Heineken?

Mỗi năm, liên doanh Heineken Việt Nam đem về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức cho Satra. Hiện Satra đang sở hữu 40% cổ phần tại 2 doanh nghiệp bia của Heineken tại thị trường Việt Nam.

Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn Heineken và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Ảnh: Heineken.

Thành lập từ năm 1995, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là một trong những tổng công ty đa ngành nghề lớn của TP.HCM. Từ xây dựng chợ đầu mối nông - thủy hải sản Bình Điền, hệ thống kho lạnh, siêu thị cho đến các trung tâm thương mại, Satra đang nắm trong tay hệ sinh thái bán sỉ, bán lẻ, cung ứng thực phẩm tươi sống trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp này lại đến từ hoạt động đầu tư. Với danh mục 6 công ty con và 34 công ty liên doanh, liên kết, Satra đều đặn nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận mỗi năm từ các công ty thành viên và công ty có liên quan này.

Trong đó, phần đóng góp lớn nhất phải kể đến số cổ phần và lợi nhuận được chia hàng năm trong 2 liên doanh với hãng bia Heineken tại thị trường Việt Nam.

Nhận gần 1 tỷ USD lợi nhuận chỉ sau 6 năm

Hiện Satra đang sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam (tên cũ là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam) và 40% vốn tại Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Heineken tại Singapore và Australia.

Từ nhà máy đầu tiên tại TP.HCM năm 1991, Heineken Việt Nam đã phát triển thành 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trên khắp cả nước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán, Satra ghi nhận doanh thu thuần gần 9.800 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 1.070 tỷ đồng, tổng công ty này vẫn báo lãi ròng 2.300 tỷ đồng nhờ hoạt động đầu tư.

Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Satra cho biết đã nhận về hơn 4.805 tỷ đồng lãi tiền gửi và lợi nhuận được chia trong năm vừa qua.

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Satra ghi nhận tổng giá trị góp vốn vào hệ sinh thái công ty con, công ty liên doanh, liên kết đạt 2.033 tỷ đồng, nhưng riêng phần cổ tức và lợi nhuận được chia đã là gần 4.100 tỷ đồng.

SATRA ĐỀU ĐẶN NHẬN HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG CỔ TỨC MỖI NĂM TỪ LIÊN DOANH VỚI HEINEKEN
Nguồn: DN công bố; Số liệu năm 2020, 2021 ước tính theo tỷ lệ đóng góp.
Nhãn201820192020202120222023
Giá trị cổ tức được chia tỷ đồng 240234003939392036004000

Đáng chú ý, một báo cáo khác về giao dịch với các bên có liên quan tiết lộ 2 liên doanh Heineken Việt Nam đã chi tổng cộng 4.000 tỷ đồng cổ tức cho Satra trong năm tài chính vừa qua, tức chiếm tới 98% tổng giá trị cổ tức và lợi nhuận tổng công ty được chia cùng năm.

Tương tự, trong năm 2022, Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Heineken Trading cũng chia về cho Satra khoảng 3.600 tỷ đồng lợi nhuận.

Giai đoạn 2020-2021, Satra không nêu cụ thể giao dịch với Heinneken Việt Nam. Báo cáo tài chính của tổng công ty cũng không công bố cụ thể bản thuyết minh về các giao dịch này. Tuy nhiên, Satra vẫn ghi nhận hơn 4.020 tỷ đồng cổ tức trong năm 2020 và 4.461 tỷ đồng tiền thu từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia trong các công ty liên doanh, liên kết năm 2021.

Trong khi đó, vào các năm 2018-2019, Heineken Việt Nam trả cho Satra lần lượt hơn 2.400 tỷ đồng và hơn 3.400 tỷ đồng cổ tức.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm của giai đoạn 2018-2023, ước tính Satra đã nhận được trên 21.000 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh bán bia với Heineken.

Còn nếu tính rộng ra cả giai đoạn trước đó, liên doanh bán bia này đã chia về cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn hàng tỷ USD lợi nhuận và trở thành “gà đẻ trứng vàng” của Satra.

Khó khăn ập đến

Tuy vậy, bước sang năm 2024, nhiều khả năng lợi nhuận Satra nhận về từ liên doanh bán bia này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi Nhà máy bia Heineken Việt Nam mới đây đã thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy tại Quảng Nam.

Dù chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong 6 cơ sở tại Việt Nam, động thái lần này của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn chưa từng có mà nhà sản xuất bia dẫn đầu thị phần đang đối mặt.

Theo đại diện Heineken Việt Nam, quyết định này được đưa ra do 2 khó khăn chính là nền kinh tế nói chung và ngành bia nói riêng sau Covid-19 đang chịu hứng chịu nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng tạo sự thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người Việt Nam.

Từ những yếu tố trên, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số tính đến nay.

Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho biết ngành bia hiện chiếm gần 99% thị phần ngành đồ uống có cồn. Việt Nam sản xuất, tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia mỗi năm. Trong đó Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp này đều đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận, thậm chí còn có nhà máy bia phải đóng cửa.

Theo số liệu của Hiệp hội, Heineken Việt Nam - doanh nghiệp chiếm thị phần bia lớn nhất cả nước - lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã chứng kiến sự sụt giảm thị phần 2 con số trong năm 2023.

"Để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển với thị trường đang và sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, chúng tôi đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình", đại diện Heineken Việt Nam cho biết.

Lợi nhuận Heineken Việt Nam giảm

Số liệu của Satra cho thấy lợi nhuận của ông lớn ngành bia Heineken giảm mạnh so với các năm trước, dao động 4.500-5.000 tỷ đồng.

Không chỉ Heineken, Sabeco, Habeco và nhiều hãng bia đều đang chật vật

Các nhà sản xuất bia tại Việt Nam đang trải qua chặng đường kinh doanh khắc nghiệt trước những khó khăn của thị trường và tác động của Nghị định 100.

Doanh số bán bia Heineken trên Shopee, Lazada, Tiki giảm 60%

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu các sản phẩm bia Heineken trên sàn thương mại điện tử chỉ đạt gần 32 tỷ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm