Cầu tiêu thụ suy yếu ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán bia của Heineken trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Minh Khánh. |
Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam.
Dù chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong 6 cơ sở tại Việt Nam, động thái lần này của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn chưa từng có mà nhà sản xuất bia dẫn đầu thị phần đang đối mặt.
Bên cạnh thị trường phân phối, bán lẻ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến của Heineken cũng chứng kiến xu hướng sụt giảm mạnh mẽ.
Doanh số online giảm hơn một nửa
Theo thống kê của công ty dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, các dòng sản phẩm bia do Heineken sản xuất chủ yếu được bán trên 3 sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada và Tiki. Tổng cộng, đã có hơn 60.274 đơn hàng được giao thành công từ 194 gian hàng.
Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bia Heineken trên kênh này chỉ đạt chưa đầy 32 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu trên Shopee chiếm 62%, kế đó là Lazada (31%), Tiki (2%).
“Doanh thu nhìn chung có xu hướng giảm từ đầu năm 2024 đến nay. Sau Nghị định 100 sửa đổi về mức nồng độ cồn tối thiểu, mức tiêu thụ bia dù tăng ở dịp Tết 2024 nhưng vẫn giảm rõ rệt so với dịp Tết 2023”, đại diện Metric phân tích.
Doanh số bán bia Heineken trên kênh TMĐT giảm mạnh trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Metric. |
Phân khúc giá được tiêu thụ nhiều nhất chủ yếu rơi vào khoảng 350.000-500.000 đồng (phần lớn trên Lazada, Tiki) và 1-1,5 triệu (100% trên Shopee). Sự chênh lệch về mức giá do các sản phẩm Heineken trên Shopee chủ yếu được bán theo combo 2-3 thùng còn kênh Tiki và Lazada chỉ bán lẻ từng thùng.
Trên Shopee, gian hàng chính thức của Heineken Việt Nam được thành lập từ 3 năm trước và hiện có gần 161.000 lượt theo dõi.
Gian hàng này đang bày bán 73 mặt hàng. Trong đó, dòng sản phẩm bia lon Tiger, bia lon Heineken Silver hay bia lon Heineken truyền thống bán chạy nhất với hàng chục nghìn lượt bán. Mặt khác, doanh số bán thức uống đại mạch (bia không cồn - PV) Heineken 0.0 tương đối hạn chế, chỉ khoảng vài trăm lượt.
Trên Lazada, gian hàng của Heineken Việt Nam cũng có hơn 71.000 lượt theo dõi. Dù tung ra nhiều voucher khuyến mãi, chỉ số ít mặt hàng của gian hàng này ghi nhận hơn 1.000 lượt bán, chủ yếu là các sản phẩm thùng bia Tiger, Heineken Silver có mức chiết khấu sâu, trên dưới 30%.
Khó khăn kéo dài
Đối với kênh bán truyền thống, báo cáo tài chính năm 2023 của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) phần nào hé lộ bức tranh kinh doanh "xám màu" của Heineken tại Việt Nam.
Theo đó, Satra ghi nhận phần lãi trong công ty liên doanh liên kết năm vừa qua đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giảm gần 47% so với năm 2022.
Doanh nghiệp này đang có danh mục 34 công ty liên kết, bao gồm sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam) và 40% vốn tại Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Heineken tại Singapore và Australia nắm giữ.
Trong đó, Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam chính là 2 doanh nghiệp phụ trách sản xuất và phân phối sản phẩm của Heineken tại thị trường Việt Nam.
Giai đoạn 2016-2019, hai doanh nghiệp này mang về cho Satra đều đặn 2.400-2.800 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 65-75% phần lãi trong công ty liên doanh và liên kết.
Ước tính theo tỷ lệ trên, 2 doanh nghiệp của Heineken có thể chỉ đóng góp khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng cho Satra trong năm vừa quai.
Cũng theo tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này, ước tính lợi nhuận của nhà sản xuất bia dẫn đầu thị phần tại Việt Nam dao động khoảng 4.500-5.000 tỷ đồng năm vừa qua, thấp hơn nhiều so với những năm trước.
Không riêng thị trường Việt Nam, doanh số tập đoàn Heineken cũng giảm gần 25% so với năm 2022. Ảnh: Heineken. |
Với quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy Quảng Nam mới đây, đại diện Heineken Việt Nam một lần nữa đề cập đến 2 khó khăn chính. Đầu tiên là nền kinh tế nói chung và ngành bia nói riêng sau Covid-19 đang chịu hứng chịu nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng tạo sự thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người Việt Nam.
Từ những yếu tố trên, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số tính đến nay.
"Để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển với thị trường đang và sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, chúng tôi đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh của mình", đại diện Heineken Việt Nam cho biết.
Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn Heineken và Satra. Từ nhà máy đầu tiên tại TP.HCM năm 1991, doanh nghiệp hiện đã phát triển thành 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trên khắp cả nước.
Tính đến nay, doanh nghiệp cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ euro tại Việt Nam, tạo ra gần 250.000 việc làm và đóng góp tương đương 1,04% GDP.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.