Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sát thủ lang thang’ và những thách thức vận hành

Mỗi ca trực kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, không được rời mắt khỏi màn hình, dễ tấn công nhầm hoặc mất kiểm soát máy bay là những thách thức với phi công UAV.

Mỹ là quốc gia sử dụng máy bay không người lái (UAV) nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, sau Sự kiện 11/9, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch chống khủng bố trên toàn cầu, nên nhu cầu sử dụng UAV ngày càng nhiều hơn.

Theo Af.mil (trang web chính thức của Không quân Mỹ), tính đến tháng 9/2015, Không quân Mỹ đang vận hành 150 UAV MQ-1 Predator, 93 MQ-9 Reaper. Chúng được triển khai hoạt động ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen và một số quốc gia châu Phi. Nhiệm vụ của các UAV là săn lùng – tiêu diệt các tay súng, cơ sở huấn luyện, trung tâm chỉ huy của các tổ chức khủng bố.

UAV được điều khiển như thế nào?

Theo Washington Post, mỗi hệ thống Predator hoặc Reaper gồm 4 UAV, một trạm kiểm soát mặt đất (GCS) và một liên kết dữ liệu vệ tinh SATCOM. Một UAV được điều khiển từ xa bởi 2 phi công, một người chịu trách nhiệm lái máy bay, người còn lại điều khiển hệ thống cảm biến và vũ khí.

Các phi công được trang bị thanh điều khiển HOTAS, bàn phím, 9-10 màn hình LCD cỡ lớn để hiển thị hình ảnh từ hệ thống cảm biến và dẫn đường của UAV, cũng như các thông tin khác. Người điều khiển sẽ dựa vào các thông số và video từ màn hình để vận hành máy bay.

Ho so sat thu khong nguoi lai cua My anh 1
Minh họa quá trình vận hành hệ thống UAV Predator và Reaper của Mỹ. Ảnh: BBC/Getty Images

Mỗi lần xuất kích làm nhiệm vụ, các UAV sẽ hoạt động liên tục trên bầu trời từ 17-24 giờ, nên Không quân Mỹ phải sử dụng 2 nhóm phi công từ 2 địa điểm khác nhau. Nhóm phi công đầu tiên sẽ chịu trách nhiệm điều khiển máy bay cất cánh từ căn cứ nơi UAV được triển khai ( Pakistan hoặc Afghanistan).

Khi máy bay lên đến độ cao ổn định, phi công sẽ dùng liên kết vệ tinh để chuyển việc điều khiển UAV cho nhóm phi công thứ 2 tại căn cứ Không quân Creech, bang Nevada. Căn cứ này nằm cách Afghanistan gần 12.000 km. Khi UAV hoàn thành nhiệm vụ, nhóm phi công tại căn cứ Creech sẽ chuyển tiếp điều khiển cho căn cứ nơi UAV xuất phát để hạ cánh.

Những thách thức

Thách thức lớn nhất đối với phi công lái UAV là áp lực làm việc rất căng thẳng. Mỗi lần cất cánh, UAV bay trên bầu trời khoảng 17-24 giờ, điều đó có nghĩa là 2 nhóm phi công sẽ chia nhau khối lượng công việc trong 8-12 giờ. Chừng nào UAV còn ở trên bầu trời, phi công buộc phải dán mắt vào màn hình để theo dõi sát sao mọi diễn biến xung quanh.

Thách thức lớn tiếp theo đối với phi công là tai nạn. Do phi công không trực tiếp nhìn thấy mọi thứ xung quanh nên chỉ cần một thao tác sai, chiếc UAV trị giá hàng chục triệu USD sẽ lao xuống mặt đất. Ngoài thiệt hại về tài sản cho Không quân Mỹ, các tai nạn của UAV có thể dẫn đến cái chết và thương vong cho thường dân, phá hủy nhà cửa.

Ho so sat thu khong nguoi lai cua My anh 2
UAV MQ-9 Reaper rơi trong quá trình bay huấn luyện ở căn cứ không quân Creech, Nevada tháng 3/2009. Ảnh: USAF

Theo thống kê của Washington Post, tính từ năm 2001 đến nay, Không quân Mỹ đã tổn thất 102 UAV MQ-1 Predator và 22 MQ-9 Reaper do các vụ tai nạn. Trong đó có 67 vụ rơi UAV xảy ra ở Afghanistan, 41 ở Iraq, 47 vụ trong quá trình bay huấn luyện ở Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn được các nhà điều tra thống kê như sau.

Hạn chế trong phát hiện và tránh va chạm. Rõ ràng, máy ảnh và cảm biến công nghệ cao không thể hoàn toàn thay thế đôi mắt và tai của phi công trong buồng lái. Bên cạnh đó, hầu hết các UAV không có hệ thống phát hiện và tránh va chạm trên không để ngăn ngừa thảm họa.

Lỗi của phi công. Việc điều khiển UAV từ xa phức tạp hơn nhiều so với ngồi trong buồng lái máy bay, bất kỳ sai lầm nào đều có thể dẫn đến thảm họa. Các lỗi phổ biến nhất thường xảy ra trong quá trình hạ cánh.

Khiếm khuyết của thiết bị điện tử. Phần lớn các UAV được đưa vào hoạt động sớm hơn so với dự kiến để đáp ứng cuộc chiến chống khủng bố, do đó, một số thiết bị điện tử chưa được thử nghiệm đầy đủ nên độ tin cậy khi hoạt động chưa cao. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do lỗi trong hệ thống điện dẫn đến mất điều khiển.

Thiếu tá Elizio Bodden, giáo viên hướng dẫn phi công UAV nói với ủy ban điều tra tai nạn vào năm 2007 rằng, “Chúng tôi biết, chúng tôi đang bay với một số thiết bị lỗi, nhưng vẫn phải làm điều đó”. Trong khi đó, ông Frank Pace, giám đốc điều hành hệ thống trên không của General Atomics đỗ lỗi cho sai lầm của phi công là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn

Mất kết nối vệ tinh. Quá trình điều khiển hoạt động của UAV phụ thuộc vào liên kết dữ liệu vệ tinh, nhưng kết nối này không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Do UAV được điều khiển từ khoảng cách gần 12.000 km nên lệnh kiểm soát phải mất 1,2 giây để gửi từ trạm mặt đất qua vệ tinh đến UAV và ngược lại.

Trong trường hợp mất kết nối, UAV được lập trình để bay tự động theo hình vòng tròn hoặc tự trở về căn cứ cho đến khi kết nối được thiết lập lại. Nếu kết nối bị mất trong khoảng vài chục giây sẽ không ảnh hưởng đến máy bay, nhưng nếu kéo dài trên 2 phút phi công có thể hoàn toàn mất kiểm soát đối với UAV.

Thống kê cho thấy, mất kết nối dữ liệu dẫn đến hơn một phần tư các tai nạn nghiêm trọng. Tháng 7/2008, một vụ nổ đã xảy ra tại căn cứ UAV ở Afghanistan khi các phi công đang điều khiển 3 chiếc UAV Predator cùng lúc. Trạm kiểm soát mất điện khiến việc điều khiển máy bay bị gián đoạn, vài phút sau, hệ thống điện được khôi phục, các phi công giành lại quyền kiểm soát 2 UAV, trong khi chiếc thứ 3 biến mất hoàn toàn.

Tấn công nhầm. Tần suất các vụ tấn công nhầm ngày một gia tăng khiến việc sử dụng UAV đang bị chỉ trích nghiêm trọng. Các phi công điều khiển UAV rất khó phân biệt giữa mục tiêu khủng bố và thường dân. Tính chính xác trong mỗi vụ tấn công đều dựa vào độ tin cậy của thông tin tình báo.

Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra Báo chí (TBIJ) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, Anh, tính đến tháng 2/2016, Mỹ đã thực hiện khoảng 423 phi vụ không kích bằng máy bay không người lái. Tổng số người thiệt mạng khoảng 2.400-4.000 người, trong đó thường dân khoảng 423-965 người, 172-207 trẻ em tử nạn.

'Sát thủ lang thang' đáng sợ nhất của Mỹ

Hệ thống điện tử tinh vi, hỏa lực mạnh, MQ-9 Reaper là cỗ máy gieo rắc sự chết chóc ở bất kỳ nơi đâu mà nó được triển khai hoạt động.

Hồ sơ 'sát thủ' không người lái đầu tiên của Mỹ

Xuất phát từ một máy bay trinh sát, MQ-1 Predator đã được vũ trang để trở thành máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới, công cụ săn lùng nghi can khủng bố đắc lực của Mỹ.



Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm