MQ-1 Predator với 2 tên lửa Hellfire trong một nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: USAF |
Sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện tử hàng không những năm Chiến tranh Lạnh đã đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của các phương tiện bay không người lái (UAV). Ban đầu, các UAV được sử dụng cho mục đích trinh sát, về sau chúng được vũ trang để trở thành những sát thủ không người lái đầy chết chóc.
Theo Airforce Technology, những năm 1980, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hợp tác cùng Lầu Năm Góc để phát triển các phương tiện do thám không người lái trên không (UAV) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới. CIA đưa ra khái niệm các UAV phải có trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ gọn, trong khi đó Không quân Mỹ có yêu cầu ngược lại.
Năm 1990, CIA đã bí mật mua 5 UAV nhỏ gọn GNAT do General Atomics Aeronautical Systems (GA) phát triển để thử nghiệm. Quá trình thử nghiệm UAV GNAT cho kết quả rất khả quan.
Năm 1994, GA nhận được hợp đồng phát triển UAV mới dựa trên mẫu GNAT. Dự án được gọi RQ-1 Predator (Động vật ăn thịt). Predator thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7/1995. Nó được trưng dụng ngay cho nhiệm vụ giám sát tại Serbia, 2 chiếc bị mất trong nhiệm vụ đầu tiên này, quá trình sản xuất loạt bắt đầu từ năm 1997.
Hình mẫu UAV hiện đại
RQ-1 có thân hình nhỏ gọn, đúng trường phái hoạt động bí mật của CIA. Máy bay có sải cảnh nhỏ và dài, cánh đuôi hình chữ V ngược xuống phía dưới, cùng một cánh ổn định nằm chính giữa. Các nhà thiết kế cho biết, do động cơ của máy bay nằm phía sau nên kiểu thiết kế cánh đuôi ngược này sẽ làm tăng đáng kể lực nâng cho máy bay.
MQ-1L Predator có chiều dài 8,5 m, sải cánh 16,84 m, trọng lượng rỗng 512 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 1.360 kg, tốc độ tối đa 217 km/h. Ảnh: USAF |
Phiên bản đầu tiên của RQ-1 sử dụng một động cơ piston Rotax 912 UL, công suất 85 mã lực với cánh quạt 2 lưỡi. RQ-1 được trang bị bộ bánh đáp 3 bánh có thể gập lại vào bên trong thân nhằm giảm lực cản khi hoạt động.
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ trinh sát, người ta trang bị cho Predator hàng loạt công nghệ hiện đại bao gồm: Máy ảnh truyền hình đa màu dùng cho quan sát từ xa và điều hướng tự động. Hệ thống dẫn hướng quán tính, định vị toàn cầu GPS. Phiên bản sản xuất đầu tiên được trang bị radar AN/ZPQ-1 TESAR, radar này có khả năng lập bản đồ mặt đất với độ phân giải cao.
Máy ảnh quang – hồng ngoại Wescam Versatron 14TS. Hệ thống này cung cấp khả năng giám sát mặt đất trên một khu vực rộng lớn bất kể ngày đêm. Trạm liên lạc mặt đất GCS, cùng trạm liên kết dữ liệu LOS, hệ thống liên kết dữ liệu này cung cấp phạm vi kết nối lên tới 740km. Hệ thống LOS được hỗ trợ thông qua hệ thống liên kết vệ tinh SATCOM AN/TSQ-190. RQ-1 được lập trình để có thể tự động quay lại căn cứ trong trường hợp liên kết dữ liệu bị mất.
Đến năm 1998, Lầu Năm Góc cùng nhà sản xuất tiến hành nâng cấp Predator. Thay thế Wescam Versatron 14TS bằng hệ thống quan sát và chỉ thị mục tiêu đa nhiệm AN/AAS-52. Hệ thống liên lạc vệ tinh AN/TSQ-190 được thay bằng hệ thống PPSL có khả năng điều khiển 2 UAV cùng lúc.
Phiên bản mới được trang bị động cơ Rotax 914 UL, công suất 105 mã lực cùng một hệ thống chống đóng băng. Động cơ mới giúp RQ-1 có thể đạt độ cao tới 7,9 km, thời gian hoạt động liên tục lên đến 40 giờ đồng hồ.
Sát thủ đầu tiên
Predator đã chứng minh được hiệu quả cao trong quá trình hoạt động. Các quan chức Lầu Năm Góc cùng nhà sản xuất đã quyết định biến RQ-1 thành “sát thủ không người lái”. Phiên bản tấn công của Predator được chỉ định MQ-1L Predator. (trong phân loại của Không quân Mỹ, các UAV mang ký hiệu RQ được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, MQ được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát – tấn công).
MQ-1 Predator chuẩn bị hạ cánh tại căn cứ không quân Creech, bang Nevada trong một nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: USAF |
Phiên bản MQ-1L được gia cố cánh chính cứng hơn để chịu sức nặng của vũ khí, bổ sung 2 giá treo cho tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire. Quá trình phát triển MQ-1L hoàn thành vào năm 2000. Predator bắn thử tên lửa đầu tiên vào ngày 21/2/2001 tại trường bắn Indian Springs, phía bắc Las Vegas, bang Nevada.
Trong quá trình thử nghiệm, Predator phóng đi 3 tên lửa Hellfire đánh trúng mục tiêu giả định là một chiếc xe tăng đứng yên. Sự kiện này đánh dấu một kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên của những sát thủ không người lái”.
Thành công của thử nghiệm vượt quá mong đợi của các quan chức Không quân Mỹ. Các quan chức yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục nâng cấp để Predator có thể bám theo và tấn công những mục tiêu đang di chuyển trên mặt đất.
Công cụ săn lùng khủng bố
Sau sự kiện Khủng bố 11/9, chính phủ Mỹ phát động chiến dịch chống khủng bố toàn cầu khiến nhu cầu sử dụng Predator tăng đột biến. CIA và Lầu Năm Góc đã phát động chiến dịch “Eyes Afghan” (Mắt Afghanistan) để săn lùng vị trí ẩn nấp của trùm khủng bố Osama bin Laden, trong đó Predator là công cụ chính.
Cảm biến hiện đại, vũ trang mạnh, khả năng hoạt động liên tục trong thời gian dài, không thương vong cho quân nhân là những ưu điểm vượt trội của MQ-1 so với sử dụng binh lính trong nhiệm vụ săn lùng khủng bố. Ngoài ra, Predator có thể tấn công vào các căn cứ nằm ở những vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc sử dụng binh lính vốn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thương vong.
Từ tháng 10/2001, các Predator hoạt động ở Afghanistan đã được chính phủ nước này cho phép mang tên lửa trong các nhiệm vụ. Từ đó, UAV này trở nên công cụ gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc cho những nghi can khủng bố.
Tại Pakistan, các UAV Predator bắt đầu thực hiện các phi vụ tấn công từ năm 2004. Tần suất sử dụng Predator tại quốc gia này gấp nhiều lần so với những nơi khác, vì quốc gia này được cho là sào huyệt của tổ chức khủng bố Al Qaeda do bin Laden cầm đầu.
Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra Báo chí (TBIJ) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, Anh, tính đến tháng 2/2016, Mỹ đã thực hiện khoảng 423 phi vụ không kích bằng máy bay không người lái. Tổng số người thiệt mạng khoảng 2.400-4.000 người, trong đó khoảng 423-965 thường dân, khoảng 172-207 trẻ em tử nạn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc các hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ là vi phạm tội ác chiến tranh. Cựu tổng thống Pakistan Nawaz Sharif nhiều lần yêu cầu Mỹ ngưng hoạt động không kích bằng UAV, song phía Mỹ không đồng ý. Cuộc tranh cãi về việc sử dụng UAV tại Afghanistan và Pakistan cũng như một số khu vực khác vẫn chưa có hồi kết.