Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sát thủ lang thang' của Mỹ tham chiến ở Syria

Máy bay không người lái Predator, vũ khí đắc lực của không quân và Cục tình báo Trung ương Mỹ trong cuộc chiến truy lùng và tiêu diệt các phần tử khủng bố, đang tham chiến ở Syria.

Tập đoàn General Atomics phát triển máy bay không người lái Predator theo yêu cầu của quân đội Mỹ. Chúng ra đời nhằm mục tiêu do thám, giám sát và truy lùng các phần tử khủng bố trên mọi địa hình. Khả năng vũ trang giúp Predator dễ dàng nã tên lửa vào các mục tiêu tình nghi. Chúng gồm hai phiên bản là RQ-1 và MQ-1.

Những chiếc Predator cất cánh lần đầu tháng 7/1994 và được giới thiệu đúng một năm sau đó. Với một động cơ cánh quạt Rotax 914F, Predator có khả năng di chuyển với vận tốc 217 km/h cùng trần bay tối đa 7.600 m.


Những chiếc Predator có khả năng bay lượn liên tục trên không trung trong 24 giờ. Các máy quay giám sát độ nét cao, máy quay hồng ngoại cùng hệ thống thu thập tín hiệu tình báo giúp chúng có thể nhận dạng các nghi can khủng bố dưới mặt đất. Giá treo dưới cánh cho phép Predator vũ trang để tiêu diệt các nghi can.


Cụ thể, Predator có thể mang theo hai tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire hoặc 4 tên lửa không đối không AIM-92 Stinger hay 6 tên lửa không đối đất Griffin. Predator sẽ thả tên lửa Griffin từ trên không và sử dụng nó như một quả bom dẫn đường để phá hủy mục tiêu.


Tất cả những chiếc Predator phiên bản sau này đều được lắp đặt hệ thống laser, cho phép đo chính xác khoảng cách từ máy bay tới mục tiêu. Thậm chí, nó có khả năng dẫn đường cho các loại máy bay có người lái, điều hướng tên lửa AGM-114 Hellfire và các vũ khí khác.

Ban đầu, quân đội Mỹ phải sử dụng xe chuyên dụng đậu sát đường băng để giúp Predator cất cánh và hạ cánh trước khi nó kết nối được với hệ thống vệ tinh của Mỹ. Sau hàng loạt cải tiến, những chiếc Predator hiện tại có khả năng vận hành từ khoảng cách hàng ngàn km so với trung tâm điều khiển.

Hiện tại, người ta có thể tháo rời mỗi chiếc Predator thành 6 phần riêng biệt và cất chúng trong thùng chứa có biệt danh là “quan tài”. Trong khi đó, trạm điều khiển của nó dễ dàng nằm gọn trong một chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules. Khả năng này cho phép Mỹ triển khai Predator ở khắp nơi trên thế giới.

Tên của Predator cũng có nhiều thay đổi kể từ khi loại máy bay này ra đời. Ban đầu, Mỹ gọi nó là RQ-1 Predator khi chế tạo máy bay với mục đích do thám, trinh sát. Năm 2002, Mỹ tăng cường khả năng vũ trang cho Predator và đổi tên nó là MQ-1 Predator. M là chữ viết tắt của từ đa nhiệm (multi-role) trong tiếng Anh.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã chế tạo 360 chiếc Predator bao gồm 285 phiên bản RQ-1 và 75 phiên bản MQ-1. Chúng từng tham chiến ở Afghanistan, Pakistan, Bosnia, Serbia, Iraq, Yemen, Libya, Somalia và gần đây nhất là Syria.

Hồng Duy

Ảnh: USAF

Bạn có thể quan tâm