'Sát thủ' độc nhất vô nhị phóng từ đáy biển
Nga có kế hoạch cuối tháng 6 này thử nghiệm một loại tên lửa có một không hai trên thế giới, đó là tên lửa đạn đạo Rowing phóng từ dưới đáy biển.
Kể cả quân đội Nga và các cơ quan nghiên cứu cũng đều cự tuyệt, không tiết lộ chi tiết về kế hoạch nghiên cứu này. Vì thế, xung quanh nó là một bức màn bí ẩn bao phủ. Theo Izvestia, “Rowing” được triển khai ngầm dưới đáy biển, chứ không cần bất cứ phương tiện mang nào như tàu ngầm hay tàu mặt nước.
Kho tên lửa các nước: Bí ẩn kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc |
Trong thời bình, nó có thể được triển khai bí mật dưới đáy biển và nằm im đợi lệnh, đến khi có chiến sự, căn cứ vào một "chỉ thị" đặc biệt, nó mới được kích hoạt phóng lên, để tấn công các mục tiêu mặt đất hoặc tiêu diệt các mục tiêu trên mặt biển.
“Rowing” là sản phẩm hợp tác phát triển của Cục thiết kế công trình hải dương Trung ương Rubin ở St Petersburg và trung tâm nghiên cứu tên lửa quốc gia mang tên “Viện sĩ Makeyev”. Dự kiến trong tháng 6 này, thử nghiệm đầu tiên dưới nước của “Rowing” sẽ được tàu ngầm B-90 lớp “Sarov” tiến hành tại Bạch Hải.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp “Sarov” được thiết kế chuyên dụng để mang và phóng “Rowing”. Phần đầu của tàu ngầm loại này được thiết kế một ống phóng ngư lôi cực đại có đường kính gần 1m và một khoang giảm áp để cân bằng trọng lượng và duy trì sự ổn định của tàu ngầm sau khi phóng tên lửa.
Hiện trường một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga. |
Một quan chức Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, trong quá trình thử nghiệm sau này, Hải quân Nga không chỉ kiểm nghiệm tính năng của tên lửa đạn đạo, mà còn phải khảo sát tính năng của các hệ thống chuyển tải tên lửa từ tàu mặt nước sang tàu ngầm. Sau khi hoàn tất các thử nghiệm này mới đến thử nghiệm toàn diện cấp quốc gia. Nếu mọi việc suôn sẻ nó mới được biên chế chính thức cho lực lượng hải quân.
Theo phân loại của NATO, tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển “Rowing” thuộc thế hệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RM. Hiện nay, Hải quân Nga vẫn đang còn sử dụng loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RM2 Shtil (NATO gọi là SS-N-23 Skiff), nó chính là sản phẩm của Trung tâm nghiên cứu tên lửa quốc gia mang tên “Viện sĩ Makeyev”. Tuy vậy, loại tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển “Rowing” hiện nay có liên quan gì đến loại tên lửa R-29RM Shtil chế tạo từ thời Liên Xô hay không thì chưa ai xác định được.
Chủ biên của tạp chí Quân sự nước Nga là ông Dmitry Kamenev cho rằng, đặc tính triển khai dưới đáy biển của loại tên lửa này, khi cần có thể nhanh chóng phá hủy các mục tiêu chiến lược của quân địch. Ông cho biết: “Tàu ngầm dưới đáy biển có thể bị các phương tiện chống ngầm của địch phát hiện, vì vậy trong thời chiến, nó rất dễ bị đối phương gây nhiễu khi phóng tên lửa. Nhưng triển khai “Rowing” dưới đáy biển, thì kẻ thù không thể phát hiện được. Không cần dùng tàu ngầm chiến lược mà vẫn tiêu diệt được các mục tiêu chiến lược của đối thủ, là một ưu thế rất lớn của nó so với các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo”.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược mỗi lần tiến hành tuần tra chiến lược, ít khi vượt quá một tháng, nếu không nhân viên trên tàu sẽ gặp phải các rắc rối về tâm lý. Khi hành trình tầm xa tàu ngầm buộc phải hành trình ngầm dưới nước, vì chỉ có như vậy mới bảo đảm tính năng tàng hình trước các lực lượng trinh sát chống ngầm.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RM và R-29RM2 Shtil (NATO gọi là SS-N-23 Skiff). |
Tuy vậy, một chiếc tàu ngầm trong trạng thái tốt nhất, một năm cũng chỉ có khả năng ra khơi tối đa 5 tháng, 7 tháng còn lại nó phải nằm ở cảng để nhân viên nghỉ ngơi và chuyên gia kỹ thuật bảo dưỡng tàu. Nếu như bố trí tên lửa đạn đạo “Rowing” dưới đáy biển, thì sẽ gặp phải những rắc rối như vậy.
Vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân đội Liên Xô lần đầu tiên đưa ra ý tưởng phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển. Nếu bố trí loại tên lửa này dưới đáy đại dương thì tàu mặt nước và tàu ngầm Mỹ không thể chạy thoát, nó sẽ giúp Liên Xô chiếm ưu thế trong cạnh tranh quân bị với Mỹ. Thế nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó đã không có những bước đi cụ thể để thực hiện dự án này.
Đến nửa sau của thập niên 80, Liên Xô mới bắt đầu tái triển khai dự án tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển. Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, đầu thập niên 90, Nga đã trở thành người kế tục kế hoạch này, không để nó chết yểu như hàng loạt dự án vũ khí siêu việt khác của Liên Xô. Quân đội Nga đã đặt hàng trung tâm nghiên cứu tên lửa quốc gia mang tên “Viện sĩ Makeyev” tiếp tục phát triển “Rowing”.
Tuy nhiên, về sau dự án này được giữ gìn tuyệt mật, đến tận năm 2005 khi đã hoàn tất nguyên mẫu thử nghiệm nó mới được công khai. Bước sang năm 2008, quả tên lửa đầu tiên đã chính thức được thử nghiệm. Dựa trên cơ sở cuộc thử nghiệm đầu tiên, sang năm 2009 Nga tiếp tục cải tạo “Rowing”. Sự ra đời của nó đúng vào giai đoạn sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đang gặp khó khăn.
Theo An ninh Thủ đô