Thời gian giao đến tay nếu đặt mua hàng hóa trên sàn TMĐT có thể kéo dài sau Tết. Ảnh: Minh Khánh. |
Cứ mỗi dịp cuối năm, hoạt động giao vận thương mại điện tử (TMĐT) lại rơi vào cảnh tắc nghẽn. Không chỉ do nhu cầu mua sắm của người dùng tăng cao, việc các đơn vị vận chuyển thiếu nhân sự hay nghỉ Tết sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trong khâu vận hành.
Hiện nay, hầu hết nhà bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đều thông báo lịch nghỉ Tết trước 1-3 ngày so với thời gian tạm dừng hoạt động của đơn vị vận chuyển. Trái lại, do tính chất khác nhau, người dùng vẫn có thể đặt mua hàng trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TikTok Shop… Dẫu vậy, việc đặt hàng thành công không đồng nghĩa người dùng có thể nhận hàng đúng hẹn.
Do đó, để đảm bảo thời gian hàng hóa đến tay đúng kỳ vọng, cả người dùng lẫn nhà bán hàng cần nắm rõ lịch trình làm việc của các đơn vị vận chuyển.
Sàn TMĐT có nghỉ Tết không?
Trao đổi với Tri thức - Znews, đại diện Shopee - sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam - cho biết đã làm việc với các đơn vị vận chuyển để lên kế hoạch vận hành chi tiết nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết.
Theo đó, dịch vụ giao hàng trên sàn sẽ hoạt động bình thường đến hết ngày 8/2 (29 Tết). Từ ngày 9/2 (30 Tết) đến ngày 12/2 (mùng 3 Tết), chỉ áp dụng hình thức giao hàng hỏa tốc đối với một số nhà bán hàng ở Hà Nội và TP.HCM đã đăng ký trước đó. Đến ngày 13/2 (mùng 4 Tết), hoạt động giao hàng sẽ trở lại như bình thường.
Từ ngày 8-12/2, hệ thống chăm sóc khách hàng của Shopee sẽ hoạt động trong khung giờ hành chính 8-17h để đáp ứng các nhu cầu cần hỗ trợ.
“Trước khi đặt hàng, người dùng nên tham khảo thời gian giao hàng dự kiến để có thể sắp xếp phù hợp giữa việc nhận hàng và các kế hoạch vui chơi cá nhân mùa Tết”, đại diện sàn đưa lời khuyên.
Lịch xử lý đơn hàng của các sàn TMĐT. Ảnh: Shopee/Lazada. |
Ngoài ra, người dùng cần theo dõi mục thông báo trên ứng dụng Shopee để được cập nhật tình trạng đơn hàng nhanh nhất. Người dùng cũng cần lưu ý một số hình thức trả hàng có thể không khả dụng trong thời gian nghỉ lễ.
Trong khi đó, Lazada cho biết đã chủ động chuẩn bị trước nhiều kịch bản và tình huống dựa trên kinh nghiệm vận hành để có thể linh động điều hướng lượng hàng hóa và có các giải pháp khắc phục khi cần thiết.
Lazada thông báo cho tới nay việc vận chuyển và giao hàng hóa tại sàn vẫn diễn ra ổn định, không xảy ra hiện tượng bị ùn ứ, quá tải dẫn đến vận chuyển chậm cho khách hàng.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo trải nghiệm mua sắm của khách hàng được diễn ra thông suốt với chất lượng tốt nhất, đặc biệt trong thời gian cao điểm Tết Giáp Thìn 2024 khi người tiêu dùng và nhà bán hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn”, đại diện Lazada chia sẻ.
Với hoạt động xử lý đơn hàng, các đối tác của Lazada gồm Giao Hàng Nhanh, J&T Express và Best Express bắt đầu nghỉ lễ từ ngày 9-13/2 và hoạt động trở lại vào ngày 14/2.
Trong khi đó, đơn vị vận chuyển Lazada Logistics là LEX sẽ chỉ nghỉ lễ trong 4 ngày 9-12/2. LEX sẽ xử lý nốt các đơn hàng trong ngày 8/2 trừ khu vực miền Trung và Mekong.
Người dùng vẫn có thể nhận hàng xuyên suốt những ngày Tết nếu sử dụng dịch vụ giao hàng 2 giờ của Grab. Tuy nhiên, điều kiện cần là nhà bán hàng cần ở trong trạng thái sẵn sàng giao.
Đối với đơn hàng vận chuyển từ nước ngoài, các sàn TMĐT đều ước tính khách hàng sẽ nhận được hàng sau Tết. Thời gian vận chuyển đến tay người mua thậm chí có thể kéo dài đến cuối tháng 2.
Cần chuẩn bị kỹ nếu định bán hàng xuyên Tết
Hiện nay, nhiều nhà bán hàng trên sàn TMĐT vẫn có kế hoạch duy trì làm việc xuyên Tết. Theo lý giải, việc tạm dừng hoạt động có thể khiến gian hàng mất đi lượng tương tác vốn có, đặc biệt trong mùa cao điểm.
Theo ông Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - cho biết bán hàng trên sàn TMĐT có ưu điểm là không mất phí hàng hoàn và có lượng khách đông đảo. Do đó, việc lựa chọn sàn TMĐT là xu thế chung, các nhãn hàng lớn đều đã lên sàn từ lâu.
Tuy nhiên, người bán chỉ nên đẩy mạnh kênh này khi xác định đây là nguồn tạo ra doanh thu chính. Còn nếu có các kênh khác như cửa hàng, mạng xã hội thì nên phân bổ nguồn lực cho hợp lý.
Chi phí bán hàng trên sàn ngày càng cao, đòi hỏi độ chuyên nghiệp. Trong đó, người bán hàng cần chú ý đến thời gian chuẩn bị hàng khi hiện nay đều đã bị rút ngắn lại. Nhà bán hàng có thể đứng trước nguy cơ bị sàn tính lỗi nếu không chuẩn bị hàng đúng thời gian quy định. Theo một báo cáo của hãng phân tích Q&Me vào năm 2023, hơn 54% người dùng cho biết tốc độ vận chuyên trên các sàn TMĐT ảnh hưởng tới quyết định mua hàng.
Bên cạnh việc đóng gói hàng hóa cẩn thận, nhà bán hàng cũng nên hạn chế quảng cáo để giảm thiểu chi phí phát sinh không cần thiết trong dịp Tết.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.