Hôm nay ăn gì, đi mua đồ bằng tem phiếu, góc phố bị bỏ quên là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.
Phiếu đi chợ
Tôi là thế hệ 9X, sinh ra ở thời bình, chuyện đi chợ bằng tem phiếu chỉ được nghe qua lời kể của bà. Những đêm hè cúp điện, ra ngồi trên chiếc chõng tre ngoài hiên ngắm trăng, tôi thường nghe bà nhắc về những lúc xếp hàng chờ mua thịt, mua gạo, mua vải bằng tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch.
Bà kể muốn may một bộ quần áo mới cho ba tôi vào năm học, ông tôi phải xếp hàng mua xấp vải đen may đủ chiếc quần, phải cả tháng sau mới mua được vài mét vải may áo.
Một tuần trước, tổ trưởng dân phố khu tôi ở phát phiếu mua thực phẩm cho các hộ dân. Mỗi gia đình chỉ được ra ngoài 2 lần/tuần vào những khung giờ nhất định in trên phiếu.
Lúc này, tôi bắt đầu hình dung rõ hơn những câu chuyện ở cửa hàng mậu dịch thời “ông bà anh”.
Tôi đã chụp hình tấm phiếu của mình, sau dịch sẽ in thành 1 tấm ảnh nhỏ cất vào hộp kỷ niệm. Vài chục năm sau, tôi sẽ kể cho con cháu nghe về những tấm tem phiếu, những ngày Sài Gòn lặng im, giãn cách nhưng không xa cách, như cách bà thủ thỉ vào tai tôi những câu chuyện thời bao cấp.
Ánh trăng sáng, chiếc chõng tre, tay bà phe phẩy quạt, miệng nhai trầu chóp chép tự nhiên tối qua xuất hiện trong giấc chiêm bao của tôi.
- Anh Nhàn
Hôm nay nấu gì?
Đó là câu hỏi mà suốt hai tháng nay, ngày nào tôi cũng đặt ra với bản thân.
Tôi vào Sài Gòn học rồi đi làm đã ngót nghét hơn chục năm. Những bữa sáng của tôi thường trôi qua với bánh mì, xôi, bánh giò,… mua từ những cô bán hàng rong. Trưa và tối, tôi ăn phở, hủ tiếu, bún bò, cơm tấm,… ở các quán ăn hoặc đặt qua ứng dụng giao hàng.
Khoảng một tháng, tôi mới dành một ngày cuối tuần bày biện nấu nướng cho ra vẻ đảm đang.
Dịch bùng phát là nỗi ám ảnh với tôi khi nghĩ đến việc nấu nướng. Thế là mẹ tôi gửi đồ ăn, phân loại ra từng gói nhỏ, nào đậu, bí, bầu, khổ qua, gà, vịt,… chất đầy tủ lạnh. Tôi ở nhà và bắt đầu chuỗi ngày học làm bếp.
Tôi gọi facetime chờ mẹ chỉ, hoặc lên mạng học theo công thức cho sẵn những ngày đầu. Một tuần trôi qua, cũng có trứng “bóng đêm”, canh “nước biển” nhưng đến tuần thứ hai, mọi thứ có vẻ thành công hơn dự kiến. Bạn cùng phòng chính thức trao tôi giấy chứng nhận có thể “chống lầy".
Tôi nghĩ qua dịch mình có thể tự nấu nướng phục vụ bản thân. Hóa ra, giãn cách không tệ như tôi tưởng!
- Tâm An
Góc phố bị bỏ quên
Tôi là một trong số nhóm ít người được ra đường khi TP.HCM giãn cách xã hội. Nhưng bản thân cũng hạn chế đi lại rất nhiều.
Hôm nọ có việc đi ngang qua đường Trương Định, con đường mà tôi vốn chạy đi làm mỗi ngày trước khi dịch bệnh xảy ra. Tôi nghĩ nhắm mắt mình cũng có thể biết được đoạn đó là quán gì, khúc kia là cửa hàng chi...
Nhưng rồi tôi đã rất ngạc nhiên và dừng xe lại. Ngay góc đầu đường gần khách sạn New World, một quán cà phê lạ lẫm đã “mọc” lên tự lúc nào.
Tiệm theo phong cách cũ, có dòng chữ "Sài Gòn 1975", với những cánh cửa gỗ cũ và nhiều cây xanh. Một ông cụ lớn tuổi ngồi phía trong nhìn ra đường, trầm ngâm.
Ồ, hóa ra có những góc ở Sài Gòn tưởng vốn rất quen thuộc khiến mình không nhận ra sự thay đổi của nó. Đến lúc thành phố vắng lặng, con người không còn vội vã nữa thì mới chợt nhận ra nhiều góc đẹp đến nao lòng.
Bạn có bỏ lỡ góc phố nào giống tôi không?
- Bình Yên
Bạn đọc có thể gửi câu chuyện của mình về hộp mail Saigontalk@zing.vn. Những câu chuyện đó sẽ được chọn và đăng ở Saigon Talk vào chủ nhật hàng tuần.