Phân tích
Anh gặp Đức trong thời điểm hiện tại có thể xem là cặp đấu thú vị. Đức đang ở sườn dốc của một giai đoạn, khi triều đại của ông Joachim Loew chuẩn bị kết thúc, và áp lực bủa vây tứ phía suốt 2 năm qua. Anh khác hẳn, khi dường như HLV Gareth Southgate đang bước vào thời điểm cực thịnh cùng Tam Sư, bất chấp rất nhiều nghi ngờ.
Trên sân Wembley, Anh đã quật ngã đối thủ truyền kỳ, để chính thức mở rộng con đường vào trận chung kết. Với nhánh đấu bao gồm Ukraine, Đan Mạch và Cộng hòa Czech, rõ ràng đội bóng đảo quốc sương mù có nhiều niềm hy vọng hơn hẳn so với bên đối diện, nơi Bỉ, Italy và Tây Ban Nha tụ hội cùng “ngựa ô” Thụy Sĩ. Thuật toán của Opta cho thấy Anh có 46,7% cơ hội để đi đến trận đấu cuối cùng, nhiều hơn tất cả đội còn lại.
Vậy thế trận đã diễn ra thế nào?
Đội hình xuất phát của Anh trước Đức. Anh chuyển sang sơ đồ 3-4-3. Đồ họa: Minh Phúc. |
ĐT Anh đổi sơ đồ chiến thuật
Như đã từng phân tích, điểm mạnh của Đức ở giải đấu năm nay là hệ thống giàu tính mạo hiểm để đánh đổi lấy sức tấn công. Chơi với sơ đồ gồm 3 trung vệ, 2 cầu thủ chạy cánh của họ là Joshua Kimmich và Robin Gosens thường được yêu cầu dâng lên rất cao ngay từ khi tuyến dưới triển khai bóng. Điều này mang tới khả năng bao phủ trên khắp chiều rộng mặt sân, từ đó có thể kéo giãn hàng phòng ngự đối phương. Đây chính là cách mà Đức đã gây khó cho Pháp cũng như hủy diệt Bồ Đào Nha tại Bảng F.
Để đối đầu với hệ thống này, HLV Gareth Southgate từ bỏ sơ đồ 4-3-3 đã dùng ở các trận vòng bảng để áp dụng sơ đồ 3-4-3. Trong đó, Kyle Walker được lựa chọn để chơi trung vệ lệch phải, bổ sung bên cạnh John Stones và Harry Maguire.
Khác với Pháp, đội cũng đổi sang mẫu sơ đồ 3 trung vệ ở vòng 16 đội nhưng thực chất chỉ là phương án mới từ buổi tập trước trận, Anh đã quen thuộc với các sơ đồ 3 trung vệ từ lâu. Thống kê của Transfermarkt cho thấy tới 87% các trận đấu của Tam Sư trong năm 2020 được chơi với sơ đồ này. Kyle Walker cũng chính là lựa chọn quen thuộc nhất của ông Southgate.
Với 3 trung vệ cùng 2 cầu thủ chạy cánh Kieran Trippier - Luke Shaw, Anh có thể đương đầu tốt với khả năng kéo giãn chiều rộng của Đức, từ đó dẫn tới khả năng phòng ngự ổn định hơn.
Hàng ngang phòng thủ 5 người giúp Anh dễ đương đầu hơn với sức tấn công chiều rộng của Đức. |
Khác biệt giữa Goretzka và Guendogan
Trước khi trận đấu này diễn ra, Đức đã gặp một số vấn đề liên quan tới tình trạng sức khỏe của cầu thủ, điển hình là Robin Gosens (nhiễm khuẩn). Nhưng bộ khung của họ hầu như không thay đổi nhiều. Timo Werner dĩ nhiên là lựa chọn bất ngờ của ông Joachim Loew, bởi anh không thể hiện tốt khi được trao cơ hội tại các trận vòng bảng.
Tuy nhiên, cái tên gây ảnh hưởng nhiều nhất tới cách chơi của Đức là Leon Goretzka. Cầu thủ thuộc biên chế Bayern Munich được lựa chọn đá chính thay vì Ilkay Guendogan.
Giống nhau về khả năng xâm nhập vòng cấm và săn bàn, nhưng lối chơi của hai anh chàng này là khác nhau rất nhiều.
Guendogan mang tới khả năng điều phối. Anh luân chuyển bóng dựa trên cảm quan nhịp điệu hoàn hảo, thể hiện qua việc lựa chọn thời điểm khi nào luân chuyển an toàn, khi nào tăng tốc bằng những cú xuyên tuyến, xẻ nách hoặc chuyển hướng tấn công.
Cao 1,89 m và nổi tiếng với kiểu ảnh khoe cơ bắp cùng chiếc cúp vô địch Champions League mùa giải 2019/20, Goretzka tăng cường sức mạnh tranh chấp cho trung tuyến của Đức. Đi kèm theo đó là cải thiện khả năng chống phản công, điều Đức thể hiện không hề tốt. Đây là điều mà chuyên gia Thành Vũ từng phân tích trên Zing sau khi vòng bảng khép lại.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đội có bóng, anh lại là mẫu cầu thủ trực diện hơn rất nhiều, luôn hướng bóng về phía trước. Đây là lý do khiến Goretzka hợp với phong cách nhịp độ cao của HLV Hansi Flick ở cấp CLB, nhưng lại làm cho hệ thống của Đức mất đi sự ổn định như với Guendogan.
Pha bóng ở phút thứ 10 của trận đấu biểu thị khá rõ sự khác nhau giữa hai cầu thủ.
Nhận bóng từ tuyến dưới, Goretzka lập tức hướng lên trên. |
Trong tình huống này, có thể dễ nhận thấy cự ly đội hình của Đức chưa được thiết lập như thường lệ, khi các cầu thủ tuyến dưới vẫn đang di chuyển lên dần dần. Nếu là Guendogan, sẽ là không bất ngờ nếu pha bóng này được xử lý bằng một nhịp dừng bóng bằng gầm giày cũng như chuyền về phía sau để giảm nhịp độ.
Nhưng Goretzka sẽ chuyền về phía trước ngay lập tức. Tới đây, điểm mà anh cũng sẽ ít tinh tế hơn so với Guendogan - có thể do cảm giác thi đấu - cũng là việc anh sẽ ít thực hiện những đường xuyên tuyến, thay vào đó sẽ là pha phát bóng chiều sâu.
Lựa chọn của Goretzka là khác với Guendogan. |
Cũng trong pha bóng này, sau một hồi tranh chấp, Luke Shaw phá lên và bóng hướng tới vị trí Goretzka. Anh tiếp tục thể hiện điểm khác biệt so với Guendogan. Nếu là cầu thủ của Man City, bóng có lẽ sẽ được khống chế lại và chuyển hướng tấn công. Còn Goretzka bật lên và tiếp tục nhồi bóng vào khu vực đang diễn ra.
Trực diện trong tổ chức tình huống, nhưng nhìn rộng hơn Goretzka lại ít có khả năng phân phối bóng vào phần sân đối thủ so với Guendogan.
Guendogan giúp Đức kiểm soát thế trận tốt hơn nhưng HLV Loew đã chọn Goretzka trước Anh. Đồ họa: Minh Phúc. |
Vô hình trung, sự thay đổi của ông Loew khiến cho Đức kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát thế trận, dù đánh đổi là có khả năng tranh chấp tốt hơn tại trung lộ.
Thống kê của Opta cho thấy đây là trận đấu mà Đức đưa bóng vào phần sân đối thủ ít nhất trong số các trận đã đấu tại VCK Euro 2020. Không thể coi Goretzka và Guendogan là lý do duy nhất, nhưng khi cơ hội lớn nhất trận đấu chỉ đến từ một pha xử lý lỗi của đối thủ (Raheem Sterling chuyền vào chân Thomas Mueller ở hiệp 2), rõ ràng họ phải tự xem lại bản thân.
Đức khai thác trung lộ
Nếu người Anh có điều gì đó cần phải lo lắng, đó chính là việc hệ thống của họ không phải là đã vận hành hoàn hảo trong trận đấu này. Đã có những thời điểm mà những sơ hở quan trọng lộ ra.
Ngay từ những phút đầu tiên, khi Anh ào lên áp sát Đức từ sát vòng cấm địa, họ đã để hở một khoảng trống lớn ở trung lộ.
Rice và Phillips dâng cao để áp sát đối thủ. |
Khoảng trống giữa sân mỗi khi Rice và Phillips bị loại bỏ. |
Cách thức của Anh là sử dụng cặp tiền vệ trung tâm Declan Rice - Kalvin Phillips cho nhiệm vụ áp sát sau tuyến đầu, kể cả ngoài biên. Cặp cánh Trippier và Shaw lại giữ vị trí thấp cùng các trung vệ chứ không dâng cao.
Vì thế, khi Kimmich và Gosens lùi về, Đức tạo ra lợi thế về quân số, đồng thời cũng dễ dàng khai thác khoảng trống giữa sân mỗi khi Phillips và Rice bị vượt qua.
Ngoài ra, cự ly giữa cặp tiền vệ trung tâm với các cầu thủ phòng ngự sau lưng của Anh cũng là khá xa nhau trong các pha áp sát từ xa. Trước một đối thủ có khả năng vượt áp lực tốt như Đức, Anh thường xuyên gặp trường hợp đối thủ khai thác vào chính khoảng trống này để tấn công nhanh, từ đó dẫn tới xộc xệch trong hệ thống.
Dâng lên áp sát từ xa thiếu đồng bộ, Anh bị khai thác khoảng trống giữa 2 tuyến dưới. |
Hệ thống vị trí trải rộng của tuyến tấn công Đức khiến cắc mắt xích hàng thủ Anh bị thu hút và để hở khoảng trống. |
Phillips và Rice bị Matt Hummels chọc khe xuyên tuyến cho Mueller. |
Mueller và Havertz đập nhả, Werner tấn công vào khoảng trống Stones để lại khi bước lên áp sát Mueller. |
Sterling và hàng công kỳ lạ của Anh
Một con số thống kê mà có lẽ nhiều người không để ý nhưng lại dễ tạo ra bất ngờ: Anh chính là một trong những đội tuyển dứt điểm ít nhất tại VCK Euro 2020. Với 6,8 lần/trận, họ chỉ xếp trên 2 đội duy nhất là Phần Lan và Hungary. Có lẽ các cổ động viên của Tam Sư sẽ không muốn bị so sánh với những đất nước này. Để minh họa, ở đỉnh bảng thống kê là Italy với hơn 20 lần dứt điểm mỗi trận.
Con số ấy càng tô đậm thêm cho đặc điểm "ăn chắc mặc bền" mà HLV Southgate thể hiện mỗi khi lựa chọn đội hình xuất phát.
Nhưng nếu người Anh muốn tìm kiếm điều gì đó tích cực từ các cú dứt điểm, tin vui cho họ là, hầu như những tình huống kết thúc của Anh đều thực sự nguy hiểm.
Thống kê cho thấy có 70% các tình huống dứt điểm của Anh diễn ra trong vòng cấm địa - xếp thứ tư toàn giải. Và có tới 15% được thực hiện trong khu vực 5,5 m - xếp nhất giải. Giá trị bàn thắng kỳ vọng trung bình cho mỗi cú dứt điểm của Anh lên tới 0,21 - hiểu một cách đơn giản là chỉ cần khoảng 4,7 cú sút mỗi trận là họ sẽ có bàn thắng.
Những thống kê này ăn khớp với phong cách "1-0, 3 điểm" mà Anh đã thể hiện. Dứt điểm ít không là gì nếu chỉ ngần ấy là đủ để ghi 1 bàn, còn hàng thủ chưa hề để thủng lưới.
Cầu thủ tấn công hay nhất của Anh chính là Raheem Sterling. Khác với những trận đấu trước khi Sterling thể hiện tốt nhất ở khả năng di chuyển không bóng, trận này anh là niềm hy vọng cho cả đội bằng những cú chạy cùng bóng.
Sterling thực hiện tổng cộng 6 pha rê dắt trong trận đấu này - nhiều nhất trong số các cầu thủ trên sân. Đây chính là nguồn tạo ra sự đột biến. Mỗi pha rê dắt của Sterling luôn tiềm tàng khả năng làm náo loạn hệ thống phòng ngự của Đức và từ đó dẫn tới pha lập công.
Phút thứ 45, tận dụng sai lầm của Mueller, Sterling cầm bóng đâm thẳng vào trung lộ, thu hút tới 6 cầu thủ áo đen. Rất tiếc là Kane lại vô duyên. |
Một tình huống khác phút thứ 57, Sterling lại thu hút toàn bộ sự chú ý của hàng thủ Đức, mở ra khoảng trống trung lộ. |
Chính anh đã làm nên bàn thắng mở tỷ số, bắt đầu từ pha rê dắt cho tới tình huống dứt điểm.
Sterling vượt qua 3 người, thực hiện đường chuyền khiến toàn bộ cầu thủ Đức bị hút vào vị trí của Kane, trước khi thực hiện bước di chuyển 2 nhịp đúng lý thuyết săn bàn trong vòng cấm |
Tuyển Anh chưa hoàn hảo
Việc Sterling thể hiện được đẳng cấp cá nhân thực ra không phải mới mẻ, mà cũng đã được phân tích trên Zing. Đáng nói là trận đấu này đã một lần nữa thể hiện rõ ràng thứ mà Anh có còn Đức thì thiếu: Những cá nhân biết cách tự tạo ra đột biến trong phạm vi vị trí và vai trò cá nhân.
Triều đại của ông Joachim Loew đã kết thúc với những sự thất vọng. Khi ông quyết định thay Emre Can vào sân trong thời điểm đang cần bàn thắng, hàng loạt sự chỉ trích đã ào lên trên các mạng xã hội từ người hâm mộ đội tuyển Đức. Bên cạnh Can trong lượt thay người ấy là Leroy Sane, cái tên đã hầu như không thể hiện được phẩm chất dưới thời ông Loew.
Nỗi buồn ngắn hạn rồi cũng sẽ vơi đi, nhà cầm quân từng mang về danh hiệu vô địch thế giới cho nước Đức rồi sau này sẽ được lịch sử ghi nhận một cách tích cực. Đức cũng sẽ không bước vào một thời kỳ đen tối nào cả - họ có đầy đủ lý do để tin một sự đổi mới trên băng ghế huấn luyện, với Hansi Flick, sẽ là bước đi cần thiết để Die Mannschaft lại đứng lên.
Về ĐT Anh, lần đầu tiên vượt qua Đức ở một giải đấu lớn sau khoảng nửa thập kỷ dĩ nhiên ngọt ngào. Ở nhánh đấu có phần dễ thở hơn, nên không ngạc nhiên khi chuyên trang The Analyst trao cho họ tỷ lệ tiến vào chung kết nhiều nhất trong 8 đội còn lại - hơn 47% cơ hội.
Nhưng Tam Sư không phải là bất khả chiến bại, họ vẫn luôn thể hiện những điểm chưa tròn trịa trong suốt quãng đường đã qua của giải đấu.
Không phải nhà vô địch nào cũng là hoàn hảo. Nhưng ngược lại, ở đội tuyển Anh, vẫn có những rủi ro về sự hụt hẫng.