Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời cảnh tỉnh cho tuyển Đức

Trận hòa nhọc nhằn trước Hungary như một lời cảnh tỉnh giá trị cho tuyển Đức, với tham vọng và sự kiêu hãnh mà họ thể hiện trong chiến dịch Euro lần này.

Huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew muốn đội bóng của mình vận hành như một cỗ máy hoàn hảo, nhưng song song với lối chơi kiểm soát trận đấu đang được thể hiện kiên định, thì cỗ máy ấy vẫn có những điểm khiếm khuyết đáng nghi ngại.

Có một điểm đáng chú ý sau 3 trận đấu đã qua tại bảng F của tuyển Đức: Họ trải qua các trận đấu với Pháp, Bồ Đào Nha và Hungary với số pha dứt điểm phải nhận tăng dần sau 3 trận. 4 trước Pháp, 7 trước Bồ Đào Nha và 9 trước Hungary - trận đấu Adam Slazai và các đồng đội trừng phạt những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngự của tuyển Đức.

Duc anh 1

Tuyển Đức của Hummels suýt chút nữa bị loại. Ảnh: Reuters.

Hệ thống chống phản công chưa hoàn hảo

61% thời lượng kiểm soát bóng là con số trung bình mà đoàn quân của Joachim Loew tạo ra sau vòng bảng, con số chỉ xếp sau Tây Ban Nha. Tuyển Đức luôn nhập trận với tư thế của đội bóng muốn kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu, qua đó tạo ra cơ hội cho chính mình và cũng đồng thời hạn chế đối thủ có được quyền kiểm soát bóng.

Để làm được điều đó, họ không chỉ cần làm tốt khi sở hữu bóng trong chân, mà còn cần biết cách để hạn chế các tình huống phản công của đối thủ. Điều không thực sự diễn ra đủ tốt trước Hungary, mà điển hình là bàn thắng mở tỷ số của Slazai.

Từ đường chuyền hỏng của trung vệ chơi lệch phải Matthias Ginter, Hungary sẵn sàng cho tình huống phản công, còn Đức chưa thực sự có sự chuẩn bị.

Hai tiền vệ trung tâm của Đức đều cho thấy sự bị động với đối thủ. Gundogan áp sát chậm trong tình huống cầu thủ Hungary có 3 chạm để xử lý bóng, trong khi Kroos không duy trì được khoảng cách ở trung lộ.

Duc anh 2

Thời điểm áp sát của Gundogan là chậm, Kroos không thu hẹp cự ly đội hình.

Khi Gundogan và Kroos tiếp cận được cầu thủ tấn công của Hungary, bóng đã được chuyền đi và mở ra khoảng trống lớn ở 2 hành lang cánh, nơi tiền vệ trái Robin Gosens cũng không có lợi thế so với đối thủ, bởi yêu cầu dâng cao mà cầu thủ này cần thực hiện khi Đức có bóng.

Duc anh 3

Hai tiền vệ trung tâm của Đức không kiểm soát được tình huống phản công của đối thủ.

Đức không thể lập tức đoạt bóng ngay trên phần sân đối thủ, điều đồng nghĩa với việc Hungary có thể đưa bóng tới 1/3 sân cuối cùng, trong tình huống phản công, với khoảng trống lớn. Điều dẫn tới một điểm tồn tại khác trong hệ thống phòng ngự của Đức - khả năng phòng ngự sau lưng của các trung vệ.

Duc anh 4

Hummels và Ginter phòng ngự trước Slazai.

Kỹ năng phòng ngự cá nhân của các trung vệ

Tình huống phòng ngự tương đối cơ bản, một quả tạt sớm từ hành lang cánh, 2 trung vệ của Đức là Ginter và Mats Hummels phòng ngự trước tiền đạo Slazai của Hungary. Vấn đề của cả 2 trung vệ này là họ phản ứng chậm, thiếu tốc độ ở tư thế lùi lại, điều được thể hiện cụ thể theo từng hành động của 2 cầu thủ tấn công Hungary.

Khi người chuyền bóng bắt đầu cất chân, Slazai sẵn sàng tấn công khoảng trống trong vòng cấm bằng phản xạ tăng tốc, trong khi cả Hummels và Ginter vẫn nhìn bóng và chưa cho thấy bất cứ phản xạ nào. Đáng chú ý, ở khoảnh khắc này, Slazai chưa có lợi thế thực sự về vị trí so với 2 trung vệ của ĐT Đức.

Duc anh 5

Phản xạ tăng tốc của Hummels và Ginter chậm hơn Slazai.

Hummels và Ginter chỉ thực sự phản xạ khi bóng đã rời chân đối thủ, thời điểm Slazai bắt đầu cho thấy sự vượt trội và sự lợi thế của việc tăng tốc trước. Tình huống lướt lên nhạy cảm đánh bại sự thiếu cơ động của 2 trung vệ tuyển Đức.

Duc anh 6

Hummels bị Slazai bứt lên trước mặt, Ginter không đủ tỉnh táo.

Khoảnh khắc cho thấy phản xạ sai thời điểm của Hummels và sự thiếu nhạy cảm của Ginter. Họ đều quyết định sai trong tình huống mà nếu chỉ một trong hai người làm sai, ĐT Đức đã không phải nhận bàn thua hoặc Hummels tăng tốc sớm hơn và làm chủ quả tạt, hoặc Ginter khôn ngoan hơn để đưa tiền đạo đối thủ vào tư thế việt vị.

Mọi thứ gần như lặp lại trong bàn thua thứ hai.

Bàn thắng thêm một lần nữa cho thấy sự non nớt của Ginter trong pha dâng cao áp sát đối thủ, và tốc độ phòng ngự sau lưng và khả năng phản xạ kém cỏi của Hummels, người thậm chí xuất phát trước tiền đạo đối thủ ít nhất 3 m khi bóng được chuyền đi.

Duc anh 7

Hummels và Ginter tiếp tục phản xạ chậm so với đối thủ.

ĐT Đức rõ ràng có những tồn tại lớn trong kỹ năng phòng ngự cá nhân của các trung vệ. Ginter chơi thiếu tỉnh táo, Hummels thiếu sự nhanh nhẹn, và Rudiger thiếu sự điềm tĩnh. Đích thân trung vệ đang chơi cho Chelsea là tác nhân lớn nhất mang về bàn thắng duy nhất cho ĐT Pháp ở trận mở màn, khi Rudiger cho thấy sự quyết liệt một cách thừa thãi của mình, tạo ra khoảng trống cho Paul Pogba thực hiện đường chuyền.

Duc anh 8

Rudiger bỏ vị trí dâng cao áp sát, tạo khoảng trống cho Pogba

HLV Joachim Loew chấp nhận mạo hiểm

Cách giải quyết của HLV Joachim Loew là chấp nhận sự mạo hiểm và tìm ra sự cân bằng. Ginter - Hummels - Rudiger không phải những trung vệ phòng ngự cá nhân hàng đầu, nhưng họ là những người tối quan trọng trong định hướng triển khai bóng từ sân nhà của tuyển Đức. Với khả năng kiểm soát và chuyền bóng thượng hạng của Hummels, khả năng hỗ trợ theo trục dọc và dâng cao của Ginter và Rudiger, Loew tìm ra những nhân tố giúp ĐT Đức triển khai bóng hiệu quả hơn.

Và như cách giảm tải cho việc 3 trung vệ phải phòng ngự với khoảng trống lớn sau lưng, tuyển Đức chọn cách phòng ngự ngay trên sân của đối phương, gây áp lực ngay sau khi để mất bóng và sẵn sàng đoạt lại quyền kiểm soát. Minh chứng là việc 2/3 số tình huống phạm lỗi của tuyển Đức (22/33) diễn ra trên phần sân đối thủ. Họ làm mọi cách để các trung vệ không phải phòng ngự với khoảng trống lớn sau lưng, nhưng họ không thể hạn chế hoàn toàn rủi ro, theo cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Theo hướng chủ quan, hai tiền vệ trung tâm đã đá chính của ĐT Đức sau cả 3 trận đấu là Gundogan và Kroos chưa bao giờ được đánh giá cao về cường độ và kỹ năng phòng ngự. Điều buộc Joachim Loew trong hiệp 2 của trận đấu trước Hungary phải sử dụng Joshua Kimmich chơi bên cạnh Kroos, và đẩy Gundogan chơi như một tiền vệ công.

Duc anh 9

Tuyển Đức thay đổi vị trí trong hiệp 2.

Theo hướng khách quan, tuyển Đức có thể tạo ra cấu trúc đội hình đủ tốt để chống phản công và đoạt bóng ngay trên phần sân đối thủ. Nhưng chỉ cần khoảnh khắc ngôi sao của đối thủ, như cái cách Bernardo Silva, Cristiano Ronaldo hay Kylian Mbappe từng tạo ra nguy hiểm trước họ, dù muốn hay không, họ cũng sẽ buộc 3 trung vệ của mình phải phòng ngự với khoảng trống lớn sau lưng.

Duc anh 10

Mbappe tạo ra nguy hiểm với tốc độ trước tuyển Đức.

Duc anh 11

Tốc độ của Jota và Ronaldo tạo nên bàn mở tỷ số của Bồ Đào Nha trước Đức.

12 trong số 16 đội bóng vào vòng knock-out Euro lần này có thành tích số bàn thua ấn tượng hơn tuyển Đức, bất chấp việc các học trò của Joachim Loew là những người phải nhận số pha dứt điểm ít thứ 4 trong số 16 đội. Hàng công của tuyển Đức có thể chơi ổn định, hiệu quả, nhưng trong trận đấu loại trực tiếp, thì sự sơ hở của hệ thống phòng ngự có thể khiến đội bóng này phải trả giá.

Trước mắt họ đang là những cầu thủ tấn công đầy tốc độ và sức trẻ của tuyển Anh. Những Raheem Sterling, Phil Foden hay Marcus Rashford đang sẵn sàng trừng phạt những sơ hở của người Đức, nếu họ không có tổ chức phòng ngự chắc chắn hơn.

Zing tại Euro - không khí lễ hội chưa xuất hiện tại Đức Zing ghi nhận không khí từ Munich khi một số CĐV Đức vẫn tỏ ra lạc quan sau khi đội nhà lọt vào vòng 1/8 Euro 2020 dù chỉ hòa Hungary ở lượt cuối bảng tử thần.

Cầu thủ Hungary sụp đổ sau trận hòa Đức

Trong trận đấu rạng sáng 24/6 (theo giờ Hà Nội), các cầu thủ Hungary không giấu được nỗi thất vọng khi suýt chút nữa đánh bại Đức để góp mặt ở vòng knock-out tại Euro 2020.

Hungary và nước mắt rơi trong điệu hát quốc ca

Hungary chỉ thiếu một chút may mắn, một chút lỳ lợm, một chút chắc chắn cuối cùng để đi tiếp chứ không phải người Đức. Họ đã khiến "bảng tử thần" suýt trở thành nơi chết chóc.

Thành Vũ

Bạn có thể quan tâm