Phân tích
Phong độ thấp trong giai đoạn hướng tới giải đấu cùng với quyết định sẽ từ chức sau khi Euro 2020 khép lại của Joachim Loew đã đặt ĐT Đức vào bầu không khí tương đối nặng nề. Trận thua Pháp ở lượt đầu tiên của “bảng tử thần” càng khiến những bình luận về họ mọc lên nhiều hơn.
Nhưng một lần nữa, Die Mannschaft lại chứng minh thứ bản lĩnh của nền bóng đá đã 4 lần vô địch thế giới và 3 lần vô địch châu Âu là có thật. Họ lại tự chứng minh người hâm mộ đã không công bằng khi đánh giá họ chơi kém trong trận gặp Pháp.
Tuyển Đức không hề suy yếu như tất cả nghĩ. Ảnh: Reuters. |
Mạnh và yếu trong hệ thống của Đức
Ngay từ trận gặp Pháp, Đức đã bộc lộ tương đối rõ những điểm mạnh và điểm yếu của chính họ. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại một cách khách quan hơn, sau khi những suy nghĩ tiêu cực từ trận đấu với Pháp đã bị xóa nhòa bằng chiến thắng trước Bồ Đào Nha.
Ông Loew bắt đầu làm HLV trưởng từ năm 2006. Sau 15 năm, hình ảnh của bóng đá Đức đã thay đổi hoàn toàn. Màn trình diễn trên sân Allianz Arena ngày 15/6 có thể xem là biểu tượng cho sự thay đổi ấy. Đức chạm tới “điểm đến cuối cùng” trong con đường cùng Loew.
Đó là một lối chơi dựa trên 2 nền tảng.
Nền tảng thứ nhất là mức độ kỹ - chiến thuật cao cấp và đạt tới mức thượng thừa của từng cầu thủ. Từng pha xử lý phải gọn gàng, ít chạm, xử lý kỹ thuật căn bản chuẩn chỉnh, không có những pha tô vẽ thừa thãi.
Nền tảng thứ hai là triết lý chiến thuật định hướng vị trí với kỷ luật tuyệt đối. Cụ thể, hệ thống của Đức sẽ có hình khối rõ ràng trên cơ sở sơ đồ chiến thuật cho mỗi giai đoạn (có bóng, không bóng, chuyển đổi giữa có bóng và không bóng). Các cầu thủ có nghĩa vụ phải đảm bảo giữ đúng vị trí, di chuyển đúng lúc, tới đúng nơi được yêu cầu. Họ phải có tư duy và cảm quan toàn vẹn về vai trò của bản thân và hệ thống chung.
Mỗi cái tên trong đội hình vào sân của Đức luôn là một mắt xích. Họ không giống với Bồ Đào Nha khi Cristiano Ronaldo là ngôi sao rõ ràng và bất khả xâm phạm. Bộ máy của Đức sẽ khó có thể chỉ ra ai là “ông tướng”, ai là “phục vụ”. Mỗi người đều có vai trò cụ thể và đồng đều. Sự tỏa sáng trong hệ thống Đức là sự hoàn thành công việc của bản thân một cách tốt nhất, chứ không cần thực hiện ma thuật đột phá nào cả.
Sẽ có người cho rằng như thế là kém hấp dẫn, không vui vẻ. Nhưng người Đức từ trước tới nay thì được biết tới với từ khóa là “hiệu quả”.
Trước Pháp, họ đã chơi không hề tồi, thậm chí nếu những thuật toán cao cấp có thể được tham khảo, thì Đức đã nhỉnh hơn đối thủ.
Với sơ đồ 3-4-3, ông Joachim Loew đã huấn luyện để các cầu thủ thực hiện đầy đủ những yêu cầu chiến thuật của từng giai đoạn trên sân.
Đức mở rộng khắp chiều ngang sân với 5 cầu thủ. Đồ họa: TrueTV Sports. |
Khi cầm bóng, đội hình của Đức luôn đạt được khả năng mở rộng khắp mặt sân mà vẫn giữ được sự kết nối cần thiết của mạng lưới. Lý do là bởi cự ly đội hình, cự ly giữa từng vị trí của họ luôn được đảm bảo.
Mở rộng là điều kiện để họ có khả năng tấn công đối thủ cả về chiều rộng (lên biên, chuyển hướng) cũng như chiều sâu (tấn công khoảng trống phía sau mỗi tuyến phòng ngự). Ngoài ra, đội hình đối thủ nhiều khả năng sẽ bị kéo giãn hoặc lộ các khoảng trống để bị khai thác.
Trên cơ sở đó, Đức có thể tung ra những bài đập nhả đẻ xé bỏ từng lớp phòng ngự của đối thủ, áp sát khung thành và tạo ra tình huống dứt điểm.
Đức xé toang các lớp của Pháp với sơ đồ 3-4-3 |
Cự ly đội hình tốt giúp cho Đức có khả năng ngay lập tức áp sát sau khi mất bóng. Juergen Klopp nổi tiếng với phương pháp ấy, gọi tên là “gegenpressing”. Gegenpressing khiến đối thủ khó tổ chức phản công nhanh, hoặc thậm chí giành lại được bóng ngay trên phần sân đối thủ để lập tức phản công ngược.
Đức lập tức bóp nghẹt không gian khi mất bóng. Đồ họa: TrueTV Sports. |
Chúng ta hãy lật ngược vấn đề để nói về điểm yếu của thứ bóng đá này.
Đức gồm hầu hết là những cầu thủ thông minh, kỷ luật chiến thuật hoàn hảo. Nhưng ngược lại họ đang thiếu đi những ảo thuật gia, mẫu cầu thủ tạo nên đột biến bằng sự tinh tế, hoặc các “quái vật” thể chất. Sự tương phản ấy dễ nhận diện ở chính Pháp, tập thể mà Antoine Griezmann hay Kylian Mbappe luôn khiến khán giả phải ồ lên mỗi trận.
Trận mở màn Euro 2020 chỉ chứng kiến đúng một pha qua người thành công về phía Đức, do Serge Gnabry thực hiện. Nó trái ngược với 9 lần rê dắt vượt đối thủ bên phía Pháp.
Làm rõ mạnh - yếu như vậy là để thấy sau cùng, Đức vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng.
“Canh bạc” Kimmich và Gosens
Cũng tương tự như người đồng cấp bên kia chiến tuyến, ông Joachim Loew không thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào cho danh sách xuất phát ở lượt trận thứ hai của “bảng tử thần”.
HLV Fernando Santos có một chút điều chỉnh nhỏ: Ông từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 ở trận trước để áp dụng 4-1-4-1 cho trận này. Bruno Fernandes được kéo xuống thấp hơn, Danilo Perreira là tiền vệ trụ, còn William Carvalho ngang hàng Bruno.
Bồ Đào Nha chuyển sang sơ đồ 4-1-4-1. |
Có thể, toan tính của ông Santos là nhằm tăng cường sự an toàn về chiều rộng mặt sân. Khi 5 tiền vệ dàn ngang, Bồ Đào Nha có thể sẽ có các phương án giảm thiểu khả năng kéo giãn của Đức thông qua 2 cầu thủ chạy cánh là Robin Gosens và Joshua Kimmich.
Nhưng có lẽ, ông Santos không hình dung được rằng Loew với phong cách ăn mặc thời trang kia lại đi nước cờ mang tính “canh bạc” bất ngờ. Gosens và Kimmich được yêu cầu giữ vị trí cao như những tiền đạo biên khi Đức triển khai tấn công.
Đây là quyết định làm nên toàn bộ sự tương tác chiến thuật giữa hai hệ thống của trận đấu này. Kết cục là bên chủ động tạo ra vấn đề, Đức đã giành phần thắng trọn vẹn.
Hệ thống của Đức có thể hiểu gồm 2 nhóm hoạt động khác nhau.
Nhóm thứ nhất gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm, có nhiệm vụ luân chuyển bóng, tiến dần khối đội hình lên phần sân đối thủ, điều tiết nhịp độ - bao gồm việc tăng tốc đột xuất bằng những đường chuyền cánh, xẻ nách, chọc khe.
Nhóm thứ hai là 3 tiền đạo phía trên, cùng cặp cánh Gosens – Kimmich. Họ gần như dàn thành một hàng ngang 5 người phía trên, tấn công trực tiếp vào tuyến phòng ngự dưới cùng - hàng hậu vệ 4 người của Bồ Đào Nha.
Tuyến 5 người phía trên của Đức. Ảnh: Ger front 5. |
Tới đây, có lẽ bạn đọc đã hình dung được vấn đề: 5 đánh 4 ở tuyến mang tính quyết định.
Gosens và Kimmich đã có một ngày làm cho Bồ Đào Nha phải tơi tả. 4 hậu vệ của Bồ Đào Nha thực sự không thể khỏa lấp được toàn bộ chiều rộng mặt sân. Nếu giãn ra, họ lại dễ dàng bị giảm bớt liên hệ giữa hàng tuyến, gây bất lợi trong việc bọc lót cho lẫn nhau.
Hai tiền vệ biên tội nghiệp của Bồ Đào Nha rơi vào trạng thái rất khó xử. Nếu không lùi về hỗ trợ hàng hậu vệ - nói đơn giản hơn là theo kèm cầu thủ chạy cánh của Đức, họ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi, bởi các cầu thủ Đức có khả năng chuyền bóng vượt tuyến quá tốt.
Còn nếu lùi về theo người, Đức lại đẩy vào khoảng trống mà họ để lại và có cơ hội tấn công thẳng vào trung lộ. Mà vốn dĩ trung lộ cần ưu tiên bảo vệ hơn so với cánh.
Khoảng trống các tiền vệ biên Bồ Đào Nha để lại khi lùi thấp để theo kèm Gosens/Kimmich. Ảnh: Space Por wingers. |
Còn các hậu vệ biên của Seleccao cũng bối rối chẳng kém. Kai Havertz và Thomas Mueller luôn án ngữ ở bên trong. Nếu họ ra áp sát ngoài biên sẽ trở thành tạo cơ hội cho 2 cái tên này.
Sự bối rối của các tiền vệ biên, hậu vệ biên Bồ Đào Nha. |
Bàn thắng thứ hai của Đức cho thấy khá rõ điều này:
Bernardo Silva lùi, thì Rudiger tiến lên, bước lên thì Rudiger tỉa bóng cho Gosens. Semedo tiến tới Gosens thì lại bỏ trống Mueller. |
Khi Đức đã xuống biên thành công, tình huống thường diễn ra ở tốc độ rất cao. Khi ấy, cả đội hình Bồ Đào Nha thường rơi vào trạng thái tất tả cuốn theo pha bóng, ai cũng hướng về khu vực nguy hiểm trực tiếp. Ở nhịp độ ấy, rất khó để hoàn toàn kiểm soát bên còn lại. Gosens đã săn được 1 bàn theo cách ấy.
Gosens xâm nhập tự do để đón pha lật bóng của Kimmich. Ảnh: Goal 1. |
Bàn thắng bị từ chối của Gosens ở hiệp một do Gnabry việt vị. Ảnh: Gosens Goal 1. |
Rất khó để hàng thủ Bồ Đào Nha quản lý một Gosens băng từ bên đối diện, ngược hướng quan sát. |
HLV Santos đã thay tiền vệ biên tới 3 lần. Bernardo Silva nghỉ cho Renato Sanches thay. Rafa Silva sau đó nhập cuộc để Sanches chuyển vào trung lộ. Cả 3 cầu thủ ấy dù thay nhau đá tiền vệ phải, nhưng chẳng một ai là cản được Gosens, đơn giản bởi Gosens ở một vị trí quá xa so với khu vực những anh chàng kia muốn phụ trách.
Renato Sanches cũng không khác gì Bernardo Silva. |
Bernardo Silva đã có một số pha cố gắng theo đuổi Gosens trong hiệp một. Nhưng có lẽ anh cũng đã nhận ra một biện pháp “dĩ độc trị độc”. Nếu bản thân anh cũng không lùi sâu theo đối thủ, anh sẽ có cơ hội để tham gia những pha phản công nguy hiểm nếu Bồ Đào Nha phá được bóng lên trên.
Các pha phản công đã xuất hiện nhiều lần trong trận đấu này. Cristiano Ronaldo và Diego Jota đều đã lần lượt có những tình huống xử lý hay ở các pha bóng ấy. Thực tế là Bồ Đào Nha quả thực đã ghi bàn từ tình huống phản công.
Pha phản công dẫn tới bàn mở tỉ số của Bồ Đào Nha. |
Ronaldo có cơ hội phản công 1 đấu 1 với Hummels sau khi Rudiger và Ginter đều đã dâng cao. |
Nhưng sau cùng, số cơ hội mà Bồ Đào Nha có lại quá ít so với Đức. Đức cầm bóng nhiều hơn và từ đó tạo ra được nhiều cơ hội hơn.
Thế nên, việc yêu cầu Gosens và Kimmich đứng cao dù là một canh bạc của Loew, nhưng đó là canh bạc có tính toán. Phần thắng đã nghiêng về ông và các học trò, khi tận dụng thành công tỉ lệ để bắn phá đối thủ.
U ám đã qua
“Bảng tử thần” đã diễn biến xứng đáng với cái tên của nó. Trước giờ bóng lăn trận Bồ Đào Nha - Đức hơn 1 tiếng, Hungary đã cầm chân Pháp.
Sẽ thật là đáng tiếc khi 1 hoặc 2 trong số 4 đội bóng này không thể góp mặt ở vòng tiếp theo. Nhưng họ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới toàn bộ các đội còn lại trong giải về sức mạnh của từng thành viên trong bảng.
Đức có lần thứ tư liên tiếp thắng Bồ Đào Nha trong các trận đối đầu trực tiếp. Một liều thuốc tinh thần quan trọng để đánh tan bầu không khí u ám có phần bất công với họ những ngày vừa qua.