Muôn kiểu đặt xe trực tuyến
Nghe bạn bè truyền tai nhau, chị Phương Linh (Bạch Đằng, Hà Nội) dùng điện thoại cài thử ứng dụng GrabTaxi trên mạng. Từ khi dùng phần mềm này, mỗi tuần, phần mềm đều cung cấp cho chị một mã khuyến mãi riêng, lúc được tặng 15.000 đồng, khi 20.000 đồng, cao nhất lên tới 50.000 đồng. Với quãng đường từ nhà đến cơ quan 2 km, giá đồng hồ khoảng 25.000 đồng, trừ đi khuyến mãi nhiều khi chị Linh được đi taxi miễn phí.
Chỉ cần vào ứng dụng, vị trí của người dùng đã được định vị sẵn; khách chỉ việc chọn điểm đến, hệ thống sẽ tính giá cước và liên hệ tài xế. Số hiệu tài xế, biển số xe và thời gian đón sẽ hiện lên màn hình người dùng ngay lập tức.
Đối với các tài xế taxi, các nhà phát triển ứng dụng hỗ trợ bằng cách tặng dung lượng 3G miễn phí, bán trả góp smartphone với giá rẻ hơn giá thị trường, thưởng tiền cho từng chuyến xe. Một tài xế hãng taxi Thành Lợi, cùng lúc chạy cho nhiều ứng dụng, cho biết: “Tận dụng được các gói khuyến mãi, tôi chở vợ con đi xe miễn phí, mỗi tháng lại thêm lượng khách nhất định, tăng thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng”.
Một dịch vụ gọi xe khác đang lùm xùm trong thời gian gần đây là Uber. Khác với GrabTaxi, EasyTaxi, PingTaxi... Uber cung cấp cho hành khách những chiếc xe “xịn”, không biển taxi, thanh toán qua thẻ...
Muốn sử dụng dịch vụ Uber, khách chỉ cần có thẻ Visa, một điện thoại có thể cài ứng dụng. Chạy ứng dụng, Uber sẽ yêu cầu người dùng điền thông tin thẻ, họ tên, số điện thoại, sau đó gửi cho một mã đăng ký. Nhận được mã này, thẻ tín dụng của người dùng sẽ bị trừ 5.000 đồng. Sau khi đăng ký xong, hành khách có thể gọi hành trình qua ứng dụng, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin mẫu xe, chủ xe.
Nhà thiết kế Hà Linh Thư, một khách hàng quen của dịch vụ này chia sẻ: “Tôi dùng dịch vụ thường xuyên vì hay phải đi lại, giá rẻ hơn cả taxi thường, lái xe lịch sự. Có hôm gọi được cả xe Mercedes E250”. Hầu hết khách hàng đã sử dụng Uber đều tỏ ra ủng hộ các ứng dụng gọi taxi trực tuyến.
Mới có mặt tại TP.HCM từ tháng 2, Hà Nội từ tháng 6, ứng dụng Easy Taxi đã đạt số lượng 50.000 người dùng và hơn 10.000 lái xe taxi đăng ký tham gia hệ thống. Cùng sự phát triển chóng mặt của các ứng dụng gọi taxi, một lãnh đạo công ty Cổ phần Ba Sao thông tin: Hãng nghiêm cấm lái xe tham gia bất cứ ứng dụng nào đặt taxi qua mạng. Cách tăng thị phần của các ứng dụng trên hầu hết theo hình thức tiếp cận trực tiếp, thuyết phục từng lái xe, dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý, điều hành xe.
Các hãng taxi cho rằng, việc phát triển ứng dụng đặt xe sẽ là tiền đề cho các nhà phát triển này lấn sân sang lĩnh vực taxi, khách hàng bị lệ thuộc vào ứng dụng. Ngoài ra, với khoản đầu tư ban đầu, các công ty kinh doanh phần mềm sẽ phải tìm cách thu hồi vốn bằng các dịch vụ như: Quảng cáo trên ứng dụng, thu phí trên phần trăm hóa đơn, khai thác thông tin khách hàng…
Vì sao Uber có đất sống?
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: Uber không phải là dịch vụ hoạt động sai trái, chui lủi. Điều này thể hiện ở chỗ, dịch vụ đã hoạt động chính thức tại Mỹ và châu Âu - những nơi có hệ thống lập pháp và hành pháp chặt chẽ. Ngoài ra, “trong danh sách các nhà đầu tư vào Uber có những tổ chức tài chính uy tín nên có thể tin họ sẽ không có ý định làm sai trái, vi phạm”, ông Hùng nói.
Lái xe cho ứng dụng Grab Taxi (ảnh lớn), Grab Taxi báo cho khách chi phí chuyến đi (ảnh nhỏ). |
Như Tiền Phong đã thông tin, Uber khẳng định không trực tiếp tham gia vận tải mà chỉ là một đơn vị kinh doanh công nghệ. Ông Hùng cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, Uber thực chất là một sàn giao dịch vận tải. “Có thể coi Uber là một chợ của tư nhân trên internet; các doanh nghiệp vận tải đăng ký thuê kiốt để bán hàng và trả tiền thuê mặt bằng cho Uber”, ông Hùng nói. Có ý kiến cho rằng, có thể xem Uber như một bến xe hay sảnh đón khách trên internet dành cho các hãng taxi, công ty kinh doanh xe hợp đồng.
Cũng theo ông Hùng, nếu Uber đăng ký hoạt động và nộp thuế tại Việt Nam; những xe tham gia vào Uber (có thể là taxi, xe hợp đồng hoặc bất cứ phương tiện nào) thuộc doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải; mô hình này sẽ không phạm pháp. Các trường hợp xử phạt taxi Uber tại TP.HCM vừa qua cũng ở hành vi không xuất trình giấy phép kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, trong mô hình hoạt động của Uber có “dịch vụ đi chung xe” với phương thức, một cá nhân có thể để một cá nhân khác đi cùng và thu tiền. Hình thức cá nhân kinh doanh vận tải này hiện nay chưa được công nhận tại Việt Nam.
Theo ông Hùng, nếu để phương thức “đi chung” này của Uber hoạt động, phải xây dựng quy định để quản lý. Ông Hùng cũng cho hay, hiện Bộ GTVT tiếp tục liên lạc với Uber để tìm hiểu và “phổ biến” các quy định kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, dù các DN taxi trong hiệp hội phản ứng rất mạnh với Uber nhưng Hiệp hội khuyến cáo họ cần tìm hiểu kỹ hơn. Ông Thanh cũng nói ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT tìm hiểu để quản lý chứ không cấm.
“Chúng tôi đang đợi quyết định của Bộ GTVT để xử lý các vi phạm của ứng dụng này. Tuy nhiên, việc này phải hết sức thận trọng, bởi dư luận vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau”.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp