Sri Lanka đồng thời kêu gọi ngừng hoạt động một phần, khi cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của quốc đảo này ngày càng trầm trọng.
Giữa lúc dự trữ nhiên liệu chạm đáy với nguồn cung chỉ đủ cho một ngày, Bandula Gunawardana, người phát ngôn của chính phủ, cho biết lệnh cấm bán là để tiết kiệm xăng và dầu diesel cho những trường hợp khẩn cấp. Ông kêu gọi khu vực tư nhân cho phép nhân viên làm việc tại nhà vì giao thông công cộng dừng hoạt động, Guardian đưa tin ngày 28/6.
“Từ nửa đêm nay, sẽ không có nhiên liệu nào được bán, trừ việc bán cho các dịch vụ thiết yếu như ngành y tế, vì chúng tôi muốn giữ gìn nguồn dự trữ ít ỏi mà chúng ta có”, ông Gunawardana cho biết trong một tuyên bố.
Một người lính bảo vệ trạm xăng ở Kandy, Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg. |
Ông xin lỗi người tiêu dùng vì sự thiếu hụt: "Chúng tôi rất tiếc vì sự bất tiện đã gây ra cho người dân”.
Ngoài ra, đất nước này đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài. Điều đó góp phần dẫn đến các cuộc biểu tình trong nhiều tháng nhằm kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Liên Hợp Quốc cho biết 4 trên 5 người ở Sri Lanka đã bắt đầu bỏ bữa vì họ không đủ tiền ăn, đồng thời cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" với hàng triệu người đang cần viện trợ.
Không thể trả khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4. Các nhà lãnh đạo đang đàm phán về một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, song phải mất nhiều tháng thì khoản tiền này mới có thể được thông qua.