Nhiều người dùng gặp khó khăn ở bước quét chip NFC trên CCCD. Ảnh: Xuân Sang. |
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế hơn 20 triệu đồng mỗi ngày cần được xác thực sinh trắc học trùng với thông tin của khách hàng được lưu tại cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cung cấp. Để thực hiện được thao tác này, người dùng cần đồng bộ dữ liệu ở giấy tờ tùy thân với hình ảnh cung cấp cho phía ngân hàng.
Hiện tại, khách hàng cả nước đang thực hiện bước chuẩn bị, cập nhật dữ liệu căn cước công dân gắn chip trên app ngân hàng. Việc này cần được thao tác thông qua kết nối tầm gần NFC trên smartphone. Giao thức này có mặt đã lâu, nhưng chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Do đó, nhiều người gặp vấn đề khi kết nối app ngân hàng với căn cước công dân gắn chip.
Chip NFC ở mặt sau thẻ CCCD. Ảnh: Xuân Sang. |
Trong đó, lỗi có thể phát sinh vì điện thoại của người dùng không hỗ trợ kết nối NFC. Trước đó giao thức này ít ứng dụng tại Việt Nam, nên nhiều nhà sản xuất không cung cấp, hoặc cắt giảm ở phiên bản bán chính hãng để tiết kiệm chi phí. Vấn đề có thể xuất hiện ở các dòng smartphone giá rẻ, đời cũ. Để giải quyết, người dùng phải nâng cấp lên smartphone đời mới hơn, có hỗ trợ NFC hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng sang máy khác.
Khi chọn mua thiết bị Android, khách hàng cần lưu ý sản phẩm có hỗ trợ NFC hay không. Thông tin này thường được cung cấp trên website của hãng và trang đại lý bán hàng. Trong khi đó, các dòng iPhone từ 7 series và SE 2020 trở lên mới có thể xác thực qua NFC tại Việt Nam. Ngoài ra, người dùng điện thoại Apple cần máy chạy iOS thấp nhất là bản 13 để thực hiện đăng ký.
Mặt khác, nhiều người dùng phản hồi tình trạng khó kết nối CCCD với app ngân hàng dù máy có hỗ trợ NFC. Việc này có thể xuất phát từ việc đặt sai vị trí chip phát sóng với bộ phận nhận tín hiệu của điện thoại. NFC là chuẩn kết nối tầm gần, chỉ khả dụng trong một phạm vi nhất định, khách hàng cần đưa CCCD đến đúng vị trí để có tương tác.
Chip NFC của thẻ CCCD do Bộ Công an cấp có thể được nhìn thấy ở mặt sau, cạnh con dấu Cục Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội. Người dùng cần giữ vệ sinh phần linh kiện này trên thẻ để đảm bảo kết nối.
Trên điện thoại, vị trí đặt bộ phận phát, tiếp nhận sóng tầm gần không giống nhau, tùy thuộc vào cách thiết lập của nhà sản xuất. Một số công ty như Sony có in biểu tượng kết nối tại vị trí chạm. Nhưng đa số điện thoại bán tại Việt Nam không có dấu hiệu nhận biết nào.
Vị trí đặt bộ phận nhận NFC của điện thoại Xiaomi. Ảnh: Xiaomi. |
Với iPhone, Apple đặt bộ phận NFC ở mặt sau điện thoại, đối diện cụm camera. Việc người dùng đặt chip CCCD ở đỉnh máy, giữa mặt lưng hay gần logo quả táo có thể khiến khó kết nối xác thực.
Với các dòng điện thoại Android, khách hàng có thể thử các vị trí thông dụng như đỉnh máy, trên hoặc đối diện cụm camera. Giữa mặt lưng máy cũng là vị trí có thể được trang bị nhưng hạn chế hơn vì cần đặt chip NFC trên pin.
Lúc thao tác, khách hàng nên đặt sát chip NFC vào vị trí nhận trên điện thoại. Hạn chế di chuyển khi thực hiện quá trình xác thực dữ liệu. Việc đặt thẻ CCCD, điện thoại trên các bề mặt kim loại cũng có thể khiến thao tác không thành công.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.