Lúc chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, tôi và mấy cô bạn cùng phòng ký túc xá cứ ngồi nghĩ vẩn vơ: “Nếu một mai rời khỏi nơi này, điều gì sẽ khiến mình nhớ nhất”. Giảng đường rộn ràng mỗi buổi sáng, cả trăm đứa chen nhau để tìm chỗ ngồi “đẹp”. Thư viện ngày thường vắng như chùa bà Đanh, nhưng cứ đến mùa thi là đông còn hơn hội. Có thể, đó là căn phòng bé nhỏ mười đứa đã bên nhau suốt bốn năm trời.
Với một đứa mê ăn uống như tôi, mấy chục quán ăn ở cổng sau của ký túc xá là thứ khiến tôi lưu luyến nhiều lắm. Cứ đến tầm trưa, dù đang ngồi trên giảng đường, hay “luyện công” với đống tài liệu cao như núi trong thư viện, tôi đều dành vài phút thư giãn để “thả hồn” vào thực đơn phong phú của hàng loạt quán xá quen thuộc.
Thèm món nước, đã có bún, phở, bánh đa cá hay mỳ vằn thắn. Cuối tháng, nếu chỉ còn chút tiền để dè sẻn, chúng tôi sẽ ăn xôi cho chắc bụng. Từ khi “chuyển hộ khẩu” vào ký túc xá, tôi bỗng phát hiện ra mình thích ăn xôi đỗ đen. Một tuần mất đến mấy bận, tôi trung thành với món xôi bình dị này.
Quán xá ở ký túc xá là nơi để các món bún, phở hay miến lên ngôi. Ảnh: She likes. |
Bạn bè cứ nói nửa đùa, nửa thật: Chắc mày ham ăn xôi đỗ vì “giá cả phải chăng”. Điều đó cũng là một phần của lý do. Nhưng quả thực, hạt đỗ bở tơi, rất sánh đôi với thứ nếp dẻo thơm, mười hạt tơi đều như nhau. Tôi hay mua xôi của cô Lài, một người phụ nữ trung tuổi quê ở Bắc Ninh. Cô có dáng người mảnh khảnh và nụ cười rất hiền.
Ngày mới lên nhập học, tôi đã tâm sự rằng xôi đỗ của cô làm tôi nhớ nhà, nhớ bà và mẹ. Bằng cái giọng thủ thỉ như trò chuyện với người thân, cô kể chuyện chồng mất sớm, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Ngày cậu con trai duy nhất lên Hà Nội học đại học, cô khóc đỏ mắt. Cứ thế, cả tháng trời người mẹ tội nghiệp mất ngủ vì nhớ con. Không chịu đựng được nữa, cô rời nhà lên đây làm kiếm việc làm.
Ngoài xôi đỗ, cô còn có xôi trắng ăn kèm ruốc hoặc thịt kho. Đặc biệt, ruốc cô làm rất ngon, vàng ươm và tơi như bông. Đứa bạn tôi vì mê ruốc của cô quá, nên đã năn nỉ cả buổi sáng để có nửa cân ruốc về ăn với cơm. Nhìn có cứ lẽo đẽo theo sau cô để nài nỉ, chúng tôi chỉ biết ôm bụng cười.
Kể về quán xá thời sinh viên mà không nói đến mấy quán phở và quán bún thì quả là thiếu sót. Tuy không quá cầu kì và đặc sắc về hương vị, nhưng thực đơn của những quán bún hay phở của sinh viên lại linh hoạt và đa dạng hơn. Ngoài phở bò hay phở gà, quán phở của cô Hồng ngay cổng ký túc còn có cả phở giò và phở thịt lợn. Nghe lạ phải không nào!
Giò lụa được thái nhỏ cỡ như cây giá, thả vào bát phở nóng nghi ngút khói thay cho thịt thà. Món ăn lạ đời này được “phát minh” ra là để chiều lòng đám sinh viên cuối tháng hết tiền, nhưng vẫn thích xì xụp húp thìa nước phở ngọt ngọt, thanh thanh, hay ngắm cọng hành xanh mướt trôi bồng bềnh. Phở giò giá rẻ hơn hẳn phở gà hay phở bò. Thế nên, nó luôn là lựa chọn không tồi. Sau này, khi tôi ra trường quán này có thêm cả phở bò xốt vang nữa.
Ốc luộc là món khoái khẩu của những ngày đông. Ảnh: Chudu 24 |
Các món bún ở đây cũng rất đa dạng: Từ bún cá, bún bò, bún ốc, bún mọc, đến bún riêu thập cẩm. Ngoài ra, còn những món bún rất oái ăm như bún gà. Thôi thì để chiều lòng bọn sinh viên, tuy có lớn nhưng trong dạ vẫn còn con nít, có bán thêm một món bún ngược đời cũng không sao?
Ở trong cái ngõ bé tí teo, chỉ dài hơn khoảng trăm mét, mà tôi tưởng như mình lạc vào khu chợ ẩm thực sầm uất. Bún phở, bánh trái, chè cháo… thôi thì mùa nào thức nấy. Chỉ cần lũ sinh viên chúng tôi thỏ thẻ: “Món này ngon lắm cô ơi!” hay “Bọn cháu đang thèm món kia”, hoặc “Món nọ ở chỗ A, B,C bán đắt hàng lắm, mà ở đây chẳng có”. Chỉ cần vài câu “quảng cáo” từ khách hàng, ngày mai, hoặc cùng lắm là ngày kia thôi, món đó sẽ có mặt ở “thiên đường ẩm thực” của ký túc xá.
Nếu trên giảng đường, bạn luôn mong ngóng một ngày nào đó đẹp trời, thầy cô sẽ tiết lộ phần trọng tâm trong kỳ thi; thì với ẩm thực, cũng có nhiều thứ để mong mỏi lắm. Mùa hè thì ngóng chè và nước mía. Đến ngày đông tháng giá thì ngóng bánh khoai, bánh chuối và ngô nướng. Cứ đến đầu tháng mười một, chưa thấy những khay than đỏ lửa để nướng ngô, khoai là kiểu gì bọn tôi cũng phải “đánh tiếng” với mấy quán quen.
Quán xá của sinh viên làm sao thiếu được những món ăn vặt có thể mang theo lên giảng đường. Ảnh: VTC News. |
Giờ đây, đi bao nhiêu quán ăn lớn nhỏ khắp thành phố phồn hoa này, tôi cũng không tìm đâu ra được cái hương vị đặc biệt giống như bát phở ở ký túc xá. Những cô bạn cũ vẫn bảo rằng: Có lẽ thời đó nghèo nên ăn gì cũng thấy ngon. Ngày nào sau giờ học, mấy đứa cũng phải vội vàng đến chỗ làm thêm. Tan làm, về ký túc, là lúc phố đã thưa bớt ánh đèn. Bụng đói còn cào thì ăn gì chẳng thấy ngon!
Nhưng đôi lúc, tôi vẫn hoài nghi về điều đó. Cuộc sống này lúc nào chẳng mệt mỏi. Những áp lực của hiện tại, chắc chắn còn khủng khiếp hơn những lo toan khi ấy. Thế nhưng, chúng tôi vẫn có thể hồn nhiên ăn một tô phở nóng, ngay cả khi chẳng còn nghìn nào trong túi. Phải chăng, tuổi thanh xuân khiến người ta không biết sợ và dễ dàng tặc lưỡi trước khó khăn?