Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tháng 5 rồi, lúa đã nặng bông?

Nắng chói, phượng đỏ cùng tiếng ve kêu râm ran vẫn chưa đủ để làm nên mùa hè nhiều dư vị. Biết tìm đâu hương lúa thơm ngào ngạt những buổi chiều lộng gió?

Bố mẹ tôi giờ đã già, chẳng còn sức mà cấy hái nữa. Mấy sào ruộng trước kia là sinh kế cho cả nhà, nay đã để cho người khác cả rồi. Thế nhưng, cứ đến đầu tháng 5, tôi lại gọi điện về cho mẹ hỏi ở quê đã gặt chưa? Có lẽ, đó là thói quen khó bỏ.

Trong ký ức của tôi, mùa hè và mùa gặt luôn song hành cùng nhau. Tháng 5 nắng như đổ lửa nào có thể rời xa những bông lúa đương uốn câu trĩu nặng.

Khi tôi còn bé, ở quê toàn đồng với ruộng. Đi học, đứa nào cũng phải đạp xe qua dăm ba cánh đồng. Thi học kỳ xong, bỏ sách vở và học hành sang một bên, cả bọn đã râm ran bàn tán xem bao giờ thì gặt. Chỉ có mùa tháng 5, chẳng phải học hành gì mấy, chúng tôi mới có thời gian lo thu vén mùa màng cùng bố mẹ.

Đợi mãi rồi cũng đến lúc lúa chín. Từ hôm lúa bắt đầu nặng bông, bà với mẹ cứ đi ra đi vào, mong trời đừng có mưa giông gì nữa. Lúa đương chín, trời giáng một cơn mưa rào là coi như đi công cốc suốt mấy tháng chăm bẵm. Thế nên, đã nắng thì nắng cho trót, để cho người “một nắng hai sương” còn khấp khởi trong lòng.

mua gat lua anh 1

Cứ đến tháng 5, màu vàng của rơm rạ lại hiện về trong kí ức. Ảnh: Báo Thái Nguyên.

Đến ngày đi gặt, cả làng vui như có hội, rộn ràng chẳng kém gì mấy hôm đi cấy. Trời còn chưa sáng, mẹ đã dậy thổi cơm để ăn uống xong còn ra đồng sớm.

Lúa còn chưa về đến sân, chị em tôi đã nghĩ đến cảnh được ăn cơm mới. Những hạt gạo dẻo thơm, trắng ngần; chỉ cần ăn với nước mắm nhĩ cũng thấy ngon.

Đang nhá nhem, Mặt Trời còn ngái ngủ ở phía cuối sông, mọi người đã rủ nhau ra đồng. Từ đầu xóm, đoàn người mỗi lúc một dài thêm. Nét mặt ai cũng hân hoan, vừa đi vừa rôm rả chuyện trò.

Lá lúa mỏng nhưng sắc, có thể cứa đứt tay, chân như chơi. Các mẹ, các cô biết thế nên hôm nay đã phải quấn xà cạp cẩn thận.

Đến gần trưa, việc gặt hái cũng đã hòm hòm. Những mảnh ruộng vuông vắn, mới hôm qua còn đương ươm một màu vàng của lúa chín, giờ trông nham nhở như cái bánh mà bọn con nít ăn dở. Lúa đã chất đầy trên các xe thồ. Khắp đường lớn, ngõ nhỏ, người người lại mải móng thồ lúa về nhà.

Đám gà vịt của những nhà gần cánh đồng xem chừng khoái chí lắm. Chúng ùa ra đường nhặt thóc rơi, thóc vãi. Mấy con trống choai vừa ăn, vừa nghênh ngang đi lại. Hứng chí, chúng lại gáy lên vài tiếng.

Lũ vịt, ngan có vẻ thờ ơ hơn. Chắc đợi mấy hôm nữa tháo nước vào, bọn nó sẽ bì bõm trong ruộng nhặt thóc. Ăn chẳng được mấy, nhưng đám vịt bầu vẫn ì ạch đến góp vui.

Lúc cùng bố đẩy xe lúa về nhà, thi thoảng, tôi lại thấy mấy mẹ con gà mái dẫn nhau ra đường kiếm ăn. Mọi hôm phải đào bới mỏi cả chân, mới có chút gì bỏ bụng. Nay thấy thóc lúa vương vãi khắp nơi, chắc chúng thấy vui đáo để.

mua gat lua anh 2

Làm sao quên được những buổi trưa hè nghịch rơm trên đường làng. Ảnh: Báo Công thương.

Mải ăn, mẹ con nhà gà chẳng để ý đến đám chó trong sân đang gầm gừ. Lũ gà con xem chừng cũng hớn hở lắm, vì được ăn no mà không phải chí chóe, giành giật với nhau.

Cuối buổi chiều, việc gặt hái cũng xong xuôi. Những bó lúa cuối cùng được chất lên xe thồ. Sân nhà nào nhà nấy đầy những bó lúa mới. Hạt căng mẩy, nhìn thật đã mắt. Người lớn hỏi nhau bao giờ máy tuốt về, để tuốt lúa luôn cho xong việc, làng trên xóm dưới lại được dịp huyên náo, rộn ràng.

Thường thì người lớn sẽ thu xếp tuốt lúa luôn trong hôm đó cho gọn. Lũ trẻ nít hứng chí nhìn cái máy tuốt to kềnh, chạy ầm ầm trong cảnh chiều chạng vạng. Lúa mới và rơm vàng hiện ra thành từng đống. Quanh năm lam lũ với ruộng đồng, lúc này những gương mặt đã hằn nét khắc khổ mới giãn ra đôi chút, nhọc nhằn cũng vì thế vơi đi.

Ngoài chuyện thu hoạch thóc lúa, mùa gặt còn mang đến cho những đứa trẻ nhà quê kha khá trò tiêu khiển thú vị. Trong đó, vui nhất có lẽ là bắt chuột đồng.

Cả tháng nay, bọn “tiểu yêu” ấy đã sục sạo khắp ruộng lớn, ruộng nhỏ để kiếm ăn, nên con nào con nấy béo núc. Mấy hôm thấy nhà nhà lo gặt lúa, chắc chúng cũng hãi, nên trốn kỹ trong hang.

Giờ chuyện gặt hái đã xong, đồng trơ gốc rạ, chỉ cần hun mấy mồi lửa, lũ chuột ngạt khói kiểu gì cũng phải chui ra. Chịu khó một chút, là có ngay bữa “gà đồng” vừa thơm dai, thịt lại ngọt đậm. Chỉ cần buổi chiều đám thanh niên í ới rủ nhau đi bắt chuột, kiểu gì tối hôm ấy khắp ngõ xóm cũng ngửi thấy mùi thơm lừng của thịt chuột nấu giả cày, hay chuột nướng lá chanh.

Giờ đây, cái xóm nhỏ của tôi đã khác nhiều lắm rồi. Người ta vẫn gọi đó là “nhà quê” nhưng ruộng đồng không còn mấy. Những người cả đời lam lũ, gắn bó với lúa ngô như bố mẹ tôi đều đã già.

Đám trẻ con ngày nào như chúng tôi lớn lên thì đi học, làm việc trong văn phòng, gắn bó đời mình với màn hình máy tính. Ai không đủ sức học lên cao thì ở nhà, làm công nhân trong mấy khu công nghiệp. Chỉ có ruộng đồng là cô đơn!

Ruộng gần đường lớn biến thành đất ở, nhà xưởng hay nhà máy. Đám ruộng méo mó, gần gò mả thì bị bỏ không. Giờ này có về quê, chắc cũng chẳng tìm đâu ra hương lúa?

Chuyện của cơn mưa đầu hạ

Ngước nhìn lên bầu trời đang chuyển dần thành màu xám nhạt, tôi thấy hơi nước cùng mùi đất ẩm đã hăng hăng nơi đầu mũi. Gió nhẹ lượt qua vành tai, bản nhạc của mưa bắt đầu.

Thương nhớ bát canh ngày hè

Trong mâm cơm ngày hè, bao nhiêu thương nhớ dồn cả vào bát canh rau. Chỉ cần thấy lá rau xanh mướt, nổi bồng bềnh trên bát sứ trắng, bao nhiêu oi nồng bỗng tan biến hết.

Nhật ký 'cách ly' của một bé gái

Những ký ức ấy vẫn thật sống động trong tôi, với tất cả hồn nhiên của một đứa trẻ. Đằng sau cánh cửa đóng chặt, tôi lắng nghe mọi thanh âm trong trẻo của cuộc sống.

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm