Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký 'cách ly' của một bé gái

Những ký ức ấy vẫn thật sống động trong tôi, với tất cả hồn nhiên của một đứa trẻ. Đằng sau cánh cửa đóng chặt, tôi lắng nghe mọi thanh âm trong trẻo của cuộc sống.

Tháng ba âm không chỉ là mùa hoa xoan, hay lúc để bọn muỗi hoành hành. Người lớn còn gọi đó là mùa “trẻ con ốm”. Ban ngày thì se se lạnh, đến trưa có khi nắng chang chang, người lớn còn thấy uể oải nữa là. Cứ đến tầm này trong xóm lúc nào cũng có trẻ con ốm. Hết đứa bé, lại đến đứa lớn.

Thường thì mấy đứa con gái sẽ ốm trước, sau đó mới đến bọn con trai. Trẻ con thì hết bệnh nọ đến tật kia. Đứa bị cúm, đứa bị sởi. Quai bị và thủy đậu thấy thế cũng loi choi “đến” xin phần. Nhờ vậy, ngõ trên xóm dưới được yên ắng. Trong những ngày bọn con nít bị ốm, hàng quà ngoài chợ cũng đông khách hẳn ra. Hôm nào cũng thấy các bà, các mẹ ghé qua mua gói kẹo lạc, hay mấy viên kẹo mấu về dỗ dành con trẻ.

Năm ấy, ở trường tiểu học của chúng tôi có dịch sởi. Lớp nào cũng có hơn chục đứa bị ốm. Bình thường, nhìn cả lớp đông đúc, lúc nào cũng có cảnh đứa nọ chen lấn với đứa kia. Thế mà, suốt hơn một tuần, lớp học nhìn trống huơ trống hoác, giống như hộp bánh quy bị ăn dở.

Nhat ky cach ly cua mot be gai anh 1

Bị ốm, buồn nhất là phải giam mình trong phòng. Ảnh: Bilibili.

Trong giờ học, xen lẫn tiếng đọc bài rì rầm, cùng cái nhịp lách cách của bút thước là tiếng sụt sịt và những tràng ho dài tưởng như bất tận. Thi thoảng chúng tôi quay sang cười tủm tỉm, vì đứa bạn ngồi cạnh vừa viết bài vừa giơ tay lên lau nước mũi, làm cả khuôn mặt trắng hồng lem luốc như mèo. Ai ngờ, hôm sau đến phiên mình bị ốm, cả buổi ngồi im re, chẳng dám cười ai.

Ngày bé tôi vốn là đứa hay ốm, đã thế lại còn ốm lâu. Bọn cái Hiền, thằng Duy đã khỏi ốm từ hôm nào rồi, tôi vẫn còn khụt khà khụt khịt. Cứ thấy tôi sổ mũi, hắt hơi là hai đứa nó chẳng dám qua nhà rủ í ới gọi tôi đi chơi nữa, vì sợ bà tôi mắng.

Gần hết đợt dịch sởi, vẫn thấy tôi khỏe mạnh, mẹ mừng lắm. Ai ngờ đêm ấy tôi lên cơn sốt. Những ban đỏ khắp người cứ thế thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Ban đầu, chỉ là vài cái chấm nhỏ như muỗi đốt trên tay. Thế mà chỉ sau một đêm, chúng đã lan lên khắp mặt tôi. Tôi tưởng tượng khuôn mặt mình như quả chuối trứng cuốc chín nẫu.

Tôi không được ngủ ở nhà ngoài nữa, phải dọn vào trong buồng ngủ cho kín gió. Em tôi cũng được mẹ gửi lên bà nội để “cách ly”. Trước khi đi nó vẫn mếu máo: “Mẹ nhớ cho chị lên chơi với con nhé!”, khiến bố mẹ tôi vừa buồn cười, vừa thấy thương.

Nhat ky cach ly cua mot be gai anh 2

Ở một mình, hãy dành nhiều thời gian đọc sách. Ảnh: Pinterest.

Từ hôm ấy, trong nhà lúc nào cũng đầy mùi hăng hắc, ngửi là muốn hắt hơi của bồ kết. Trong buồng, cửa rả đều được đóng kín. Mấy hôm còn mệt nhiều, việc chủ yếu của tôi là ngủ, bởi cứ đặt lưng xuống giường được một lúc là tôi thiếp đi. Mở mắt dậy lúc nào cũng thấy tối đen như mực. Tôi giật mình vì tưởng đã ngủ tới khuya. Mãi đến lúc nghe tiếng mẹ dặn bố để ý giúp nồi cháo, tôi mới biết hóa ra trời còn chưa kịp tối.

Tôi học cách phân biệt ngày và đêm qua những tiếng động. Tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng chó sủa và cả tiếng bước chân mẹ đều đều. Mở mắt ra, thay vì hoảng hốt tôi nằm lặng yên lắng nghe những âm thanh quen thuộc được đưa đến bên tai.

Nằm chán, tôi đến bên cửa sổ hé mắt nhìn ra ngoài. Ngoài sân, con chó Vện đang nhởn nhơ trêu con mèo Mướp. Chúng nó vẫn thích chí chóe với nhau như thường ngày. Trong vườn, mẹ con nhà Mái Mơ tha thẩn đi kiếm ăn. Mái mẹ vừa mới bới được một con giun, lũ gà con đã nháo nhác chạy đến tranh phần, ầm ĩ cả góc vườn.

Sáng chủ nhật, tôi còn nghe thấy cả tiếng thằng Duy và cái Hiền cãi nhau. Thấy chúng nó vui vẻ chơi đùa, tôi vừa buồn, lại vừa tức, xen lẫn cả chút tủi thân của người ốm. Thế nhưng vừa đi chợ về, mẹ đã nhắc chuyện cái Hiền hỏi thăm tôi. Nó còn kể với mẹ, định sang chơi với tôi, nhưng bị người lớn cấm vì sợ lây bệnh.

Nhat ky cach ly cua mot be gai anh 3

Sách vở mang tới những mộng mơ và xua tan buồn chán. Ảnh: Pinterest.

Cô bạn còn cho tôi mượn vở, để xem lại bài học trên lớp. Vừa mở vở ra, tôi đã thấy một lá thư vẽ rất nhiều hoa, còn được tô màu cẩn thận. Hiền và Duy nói nhớ tôi nhiều lắm. Chơi ô ăn quan mà không có tôi thì mất hết cả vui. Những dỗi hờn của tôi chợt biến đi đâu hết.

Biết tôi ốm, dì út mang bao nhiêu sách đến cho tôi mượn. Ngày thường, sợ tôi làm mất sách, mỗi lần tôi sang chơi, dì chỉ cho cầm một cuốn mang về. Tôi say sưa đọc một lúc hết cả cuốn truyện cổ tích. Rồi nằm lim dim tưởng tượng mình là nàng công chúa bị phù phép. Đến một ngày nào đó, bùa chú sẽ không còn sức mạnh, những nốt đỏ trên người tôi cũng biến mất…

Một ngày, hai ngày, ba ngày… rồi hơn một tuần, tôi dần khỏi bệnh, hết sốt và những nốt ban cũng biến đi đằng nào. Vừa thấy mẹ gật đầu, tôi đã chạy ào sang nhà cái Hiền chơi. Không hẹn trước, nhưng Duy cũng ở đó tự bao giờ. Trời đã ấm áp, nắng rất vàng như đã sang hè. Tất cả trước mắt tôi đều tươi mới và sống động.

Văn hóa đọc, Internet và sự cộng sinh

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng sự tồn tại, phát triển của văn hóa đọc nói chung, xuất bản nói riêng, là sự cộng sinh giữa truyền thống và điện tử trong môi trường Internet.

 Dường như có một Hà Nội sắm vai kẻ khác

Trong im ắng, tĩnh mịch của những ngày phong thành, người ta bỗng giật mình vì bao điều bé nhỏ, dung dị bị vùi lấp trong cái lặng lẽ của thời gian.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm