Ở cái thành phố rộng lớn này, giờ đây chắc có cả vạn người nhốt mình trong phòng, nín thở chờ dịch bệnh đi qua. Nếu chỉ biết đối diện với chiếc bóng của mình, chắc âm thanh duy nhất dội vào tai ta là những tiếng thở dài lặng lẽ. Có những lúc, tôi thầm hờn dỗi vì Hà Nội quá ồn ào. Khói bụi, kẹt xe làm người ta mệt mỏi triền miên…
Thế nhưng, nếu không gian nơi đây quá tĩnh mịch, tôi lại nghĩ mình đang sống ở một chốn lạ lùng nào đó. Đây có phải là Hà Nội của tôi không? Những buổi sáng ngồi vẩn vơ trước khung cửa nhỏ, tôi đã tự hỏi mình như vậy?
Gần chục năm trước, trong một dịp nghỉ lễ, ngại về quê do đường xa đông đúc, lần đầu tiên tôi được thấy Hà Nội vắng người. Đường Đê La Thành vốn chật như nêm, người xe chen nhau, vỉa hè cũng giống như lòng đường, thì hôm ấy bớt đi năm, bảy phần ồn ã. Người ta có thể thong dong đi bộ trên vỉa hè, mà không bị tiếng còi xe làm cho giật mình.
Bao mùa hoa đã héo tàn trong lặng lẽ. |
Tôi có thể đứng ở cổng trường, ngắm những chiếc lá xà cừ rơi, lắng nghe tiếng khô khốc chạm khẽ vào nền gạch. Chao ôi, tất cả bình yên quá đỗi! Hôm đó, tôi còn tha thẩn đi dạo trên đường Phan Đình Phùng, ngắm những tán cây đan vào nhau. Dưới cái nắng ấm áp của mùa xuân, đám lá sấu bóng nhẫy, mỡ màng khiến người ta không thể rời mắt.
Nhưng Hà Nội chỉ thanh vắng vài ngày thôi thì được, lặng yên quá lâu làm người ta cảm thấy thành phố này không còn là nó nữa. Hà Nội như đang sắm vai kẻ khác, gượng gạo và buồn tẻ. Giống như người con gái kiêu kỳ, thì cứ kiêu kỳ thôi, chỉ ôn hòa, cởi mở đôi hôm cho người ta thấy lạ để xuyến xao là đủ rồi.
Từ khung cửa sổ của mình, tôi lặng yên ngắm cây bàng nơi góc đường. Đó là màu xanh duy nhất tôi thấy, để từ đó biết rằng mùa xuân đang vào đúng độ. Hoa ban, hoa sưa chắc cũng đã tàn cả rồi. Bao nhiêu mùa hoa đã bị bỏ lỡ trong những ngày tháng tĩnh lặng chẳng thể quên.
Mùa xuân, ở Hà Nội người ta không chỉ đi ngắm hoa, mà còn có thể ngắm lá vàng. Đám xà cừ già cởi bỏ lớp áo phong sương của mùa cũ trên đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lý Nam Đế. Mấy cây lộc vừng khoe lá đỏ bên hồ Gươm. Trên phố Thụy Khuê, đám ngân hạnh cũng đã thay lá vàng.
Mùa cây thay lá, làm sao quên được cái màu đỏ ối của tán bàng. Đôi khi, người ta cứ dự định này kia, rồi dùng dằng nghĩ năm tháng còn dài rộng. Cho đến khi ngẩng đầu lên nhìn nền trời xám xịt, ai đó bỗng giật mình vì lá bàng được nhuộm đỏ ối từ khi nào. Nhanh thế! Cuối đông rồi đó! Đợi đến lúc cái lá đỏ cuối cùng rụng xuống, chắc mùa xuân cũng đã qua được già nửa rồi.
Ai còn nhớ cái sắc đỏ đầy kiêu hãnh của lá lộc vừng. |
Lá vàng, lá đỏ ngoài đường, chắc cũng đã bay theo gió, trôi vào hư không cả. Không có tiếng còi xe, tiếng người nói lao xao, cùng những bàn chân vội vã lúc tan tầm, chẳng biết chúng có buồn không?
Trong cái thanh tĩnh của mùa xuân đặc biệt, tôi bỗng nhớ khu vườn của bà. Giờ này, đám na già chắc đã trổ lá xanh. Hoa bưởi thôi cũng rụng rơi gần hết, cái mùi nồng đượm ấy chắc biết có còn vấn vít quanh vườn.
Buổi sáng ở thôn quê được tô điểm bằng đủ thứ âm thanh, tiếng người, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng trâu bò hậm hực trong chuồng. Nếu không có những âm thanh ấy, người ta có thể lắng nghe tiếng chim. Lũ chim sẻ ồn ào nhí nhảnh. Mấy con chào mào thì lắm lời và huyên náo. Thi thoảng, xen giữa những âm thanh có đôi chút hỗn loạn ấy là tiếng gù trầm ấm của mấy con bồ câu điềm đạm.
Còn ở Hà Nội thì khác, cuộc sống được đo bằng những thanh âm của con người. Tiếng lũ trẻ con mè nheo mỗi sáng khi chuẩn bị đi học. Người lớn hối hả bước một, bước hai vì sợ không kịp chấm công. Tiếng xe cộ xen lẫn tiếng người ta cãi cọ.
Cơn ôn dịch này lại cho chúng ta những thanh âm thật khác. Mỗi buổi chiều, tôi đều ngửi thấy mùi thức ăn từ bếp nhà hàng xóm đưa lại. Ngày thường, cả nhà ai cũng hối hả. Họ gặp nhau trong những bữa ăn vội vàng, đồ ăn nguội ngắt vừa mua ngoài tiệm về. Giờ đây, bữa cơm trong căn bếp ấm lửa, chắc chắn có cả tiếng cười.
Mầm cây phải đợi suốt mấy tháng ròng mới gặp được mùa xuân. Con người cũng vậy, hãy an yên mà chờ đợi. Biết đâu, khi quay lại cuộc sống hối hả, tất bật trước kia, chúng ta lại nhớ tới những ngày tháng thong dong của hiện tại.