Trong một lần nói chuyện với cô giáo cũ về chủ đề sách, cô hỏi tôi: "Có lẽ cách dạy con của cô bị sai? Cô luôn hướng các con đọc nhiều sách và học theo những điều hay lẽ phải trong sách. Các con cô thông minh, học giỏi nhưng trong cuộc sống nhiều khi các em bị thiệt thòi vì sống thật thà, ngay thẳng. Những lúc như vậy cô thấy thương con vô cùng và tự trách bản thân mình, mặc dù cô biết cuộc đời chưa thể nói trước điều gì và chỉ đến lúc đóng nắp quan tài mới kết luận được".
Cô chốt lại một câu là cô cũng giống như mẹ tôi (tôi viết trong cuốn sách “Trường học hay Trường đời”): Vẫn luôn tin rằng người đọc nhiều sách thì không thể là người xấu.
Gần đây, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến những cuốn sách tôi viết, tôi chấp bút và cả những vấn đề liên quan đến sách và việc đọc sách. Nhiều câu hỏi đơn giản chỉ mang tính cung cấp thông tin, nhưng cũng có những câu hỏi cho thấy người hỏi phải rất yêu quý, tin tưởng tôi thì mới hỏi những câu như vậy.
Chẳng hạn, mới đây một bạn gửi câu hỏi cho tôi qua facebook cá nhân: Đọc sách có phải là một cách để trốn chạy thực tế cuộc sống không và bạn ấy không giải thoát được những nỗi sợ hãi trong người.
Trước đây, trong lần đi giao lưu về việc đọc sách, lúc ra về, có bạn sinh viên cũng từng hỏi riêng tôi câu này. Cả hai câu hỏi, tôi đều như được thấy bóng dáng mình trong đó.
Ở câu đầu tiên, tôi nghĩ cô giáo tôi đã tìm được câu trả lời như cô đã kết luận, cô hỏi tôi thực ra chỉ để củng cố niềm tin của cô vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ở câu hỏi thứ hai, tôi đã trả lời bạn ấy rằng tôi đọc sách không phải để chạy trốn trong những trang sách, nhưng đôi khi kiến thức thu được từ những trang sách đã đọc trước đó giúp tôi đưa ra được giải pháp tốt hơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Còn về nỗi sợ hãi, tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có, nhưng những người đọc nhiều sách sẽ có cách đối diện với nó tốt hơn. Chắc chắn là như thế. Và còn một thực tế nữa, nỗi sợ hãi nhiều khi không đáng sợ như chúng ta nghĩ hoặc tưởng đâu.