Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa đọc, Internet và sự cộng sinh

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng sự tồn tại, phát triển của văn hóa đọc nói chung, xuất bản nói riêng, là sự cộng sinh giữa truyền thống và điện tử trong môi trường Internet.

Đại dịch Covid-19 khiến con người phải “cố thủ” trong nhà. Làm gì với thời gian ở nhà trở thành vấn đề đặt ra đối với nhiều người. Đọc sách sẽ là một trong những hoạt động giải trí, học tập hiệu quả.

Giữa thời đại dịch, vừa mê đọc sách, vừa là người bán sách, tôi có nhiều thời gian để đọc sách và cảm nhận rõ hơn sự gắn kết giữa mạng Internet, thiết bị kỹ thuật số và việc đọc sách.

van hoa doc anh 1
Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương luôn mong muốn thay đổi văn hóa đọc cho người Việt. Ảnh: Quỳnh Trang.

Internet khiến đọc sách thú vị, hiệu quả

Nhìn ở khía cạnh khác, sự phổ cập của Internet và các thiết bị kỹ thuật số, như điện thoại thông minh, đã thúc đẩy văn hóa đọc, nếu như người dùng có ý thức và phương pháp.

Thứ nhất, mạng Internet giúp rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, tạo ra mối quan hệ giao tiếp hai chiều và nhiều chiều phong phú giữa tác giả và bạn đọc, giữa các bạn đọc với nhau.

Mạng Internet có đặc điểm “siêu không gian và thời gian”. Nhờ nó, người ta có thể giao tiếp với nhau khi chủ thể giao tiếp không có mặt hoặc có mặt ở một nơi rất xa xôi.

Ngồi ở Việt Nam bạn có thể bình luận về cuốn sách cùng các độc giả trên toàn cầu mà không bị ngăn cách. Nếu biết một vài ngôn ngữ, bạn hầu như không có rào cản lớn trong giao tiếp.

Internet và mạng xã hội giúp độc giả hiện đại có điều kỳ diệu là khả năng, cơ hội kết nối, trò chuyện trực tiếp với tác giả của các cuốn sách.

Cuộc họp mặt 100-200 người đòi hỏi công tác tổ chức công phu, tốn kém. Thế nhưng, cuộc tụ họp, bàn luận của hàng trăm nghìn độc giả trên mạng, là chuyện bình thường và không tốn kém.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Thời chưa có Internet, khi đọc sách, chúng ta hẳn đều mơ ước có lúc được trò chuyện, đặt câu hỏi cho các tác giả mình yêu thích.

Tuy nhiên, khi đó, điện thoại còn hiếm, chỉ có cách viết thư. Việc giao lưu, tiếp xúc, trò chuyện gần như không thể khi địa chỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học không được công khai rộng rãi.

Ngày nay, nhờ có Internet và mạng xã hội, độc giả có rất nhiều cơ hội làm điều đó. Nếu dùng Facebook hay Twitter, bạn có thể kết nối với rất nhiều tác giả. Độc đáo và thú vị hơn nữa là môi trường mạng so với môi trường thực có tính dân chủ, tự do và cởi mở hơn. Người đọc, thậm chí, có thể phản biện tác giả.

Bạn đọc sẽ có những cuộc trò chuyện không dứt với tác giả khi chat qua inbox hoặc thảo luận xung quanh một luận điểm của cuốn sách trên mạng xã hội. Điều này làm cho việc đọc sách trở nên thú vị và gần gũi hơn nhiều. Nó cũng làm tăng cơ hội học hỏi cho bạn đọc.

Thứ hai, mạng Internet giúp tạo ra và phát triển các “cộng đồng đọc sách”. Đây cũng là đặc điểm nổi bật trong thời đại mạng xã hội. Việc đọc sách mang tính chất trải nghiệm cá nhân khá cao. Công việc này hầu như được cá nhân tiến hành đơn độc (thỉnh thoảng ở đâu đó có các buổi đọc sách tập thể).

Nhờ Internet mọi sự đã đổi khác. Bằng cách tạo ra các website, forum và nhóm, fanpage trên mạng xã hội, những độc giả hâm mộ, yêu thích một dòng sách, thể loại, tác giả, tác phẩm, đều có thể tụ họp lại giao lưu với số lượng thành viên khổng lồ ngoài tưởng tượng.

Một cuộc họp mặt độc giả, người hâm mộ với số lượng 100-200 người ngoài đời thực đòi hỏi công tác tổ chức, chuẩn bị công phu và tốn kém. Thế nhưng, một cuộc tụ họp, bàn luận của vài nghìn, thậm chí hàng chục, hàng trăm nghìn độc giả trên mạng, là chuyện rất bình thường và hầu như không tốn kém.

Vì thế, hàng loạt hội, nhóm, fanpage trên mạng xã hội xoay quanh việc đọc sách xuất hiện, như “cộng đồng đọc sách tinh hoa”, “hội những người yêu thơ lục bát”, “hội những người yêu đọc Tam quốc diễn nghĩa”…

Nhận thấy mạng xã hội và Internet là nơi quảng bá tốt sản phẩm và cho phép thu nhận thông tin phản hồi từ độc giả ở nhiều góc độc, nhiều công ty sách, nhà xuất bản chủ động tạo dựng fanpage, câu lạc bộ để độc giả giao lưu và bình luận về tác phẩm.

Trong rất nhiều trường hợp, các nhóm nói trên còn kết hợp giữa hoạt động online trên mạng và “offline” ngoài đời thực, tạo ra tác dụng tích cực.

van hoa doc anh 2

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bạn đọc không đến được hiệu sách, có thể lên mạng đọc sách. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Kho sách khổng lồ online

Thứ ba, mạng Ineternet giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận dễ dàng những cuốn sách, tư liệu quý và các kho sách lưu trữ khổng lồ. Loại bỏ chuyện sách lậu, sách phát tán bất hợp pháp sang một bên, ta sẽ thấy Internet cùng nền tảng công nghệ kỹ thuật đi kèm, đã giúp nhân loại lưu trữ những kho sách khổng lồ.

Đối với cá nhân, việc chứa sách trong nhà đòi hỏi không gian, công sức để bảo quản và kỹ thuật lưu trữ, sắp xếp. Khi sách được lưu trữ dưới dạng điện tử trên mạng, việc trên không còn ý nghĩa.

Trên thế giới, rất nhiều thư viện điện tử, trang web lưu trữ cho phép bạn đọc đọc trực tuyến và mượn các cuốn sách, tài liệu quý, đặc biệt, những tác phẩm kinh điển, có tuổi thọ trên 50, 100 năm, đã hết bảo hộ tác tác quyền.

Việc tìm kiếm bằng công cụ điện tử giúp đọc giả có thể nhanh chóng thấy cuốn sách, thậm chí là trang sách, chi tiết mình cần, một cách nhanh chóng. Chúng ta còn có có thể tìm thấy ở đó sách nói, sách có video minh họa… Điều này giúp cho việc học tập, thưởng thức tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ tư, mạng Internet giúp công tác khuyến đọc thuận lợi hơn. Để hình thành, phát triển văn hóa đọc, công tác khuyến đọc rất quan trọng.

Việc thức tỉnh người khác về giá trị, ý nghĩa của việc đọc sách, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả tiếp cận sách, hình thành thói quen đọc sách, rất quan trọng.

Internet đang giúp rất nhiều cho những công việc đó. Nhờ mạng xã hội, một cá nhân hay nhóm người tình nguyện có thể dễ dàng tổ chức, gây quỹ để xây dựng thư viện cho trẻ em ở vùng khó khăn hay ngôi trường nghèo nào đó.

Cuối cùng, mạng Internet, mạng xã hội cũng giúp cho việc quảng bá sách đến bạn đọc dễ dàng hơn. Là tác giả, người dịch và kiêm luôn bán sách, tôi cảm nhận rất rõ điều đó.

Một bài giới thiệu sách có khi thu hút hàng trăm bình luận, vài trăm người “like”, là tín hiệu tốt cho xuất bản và khuyến đọc.

Nếu đọc bài điểm sách trên báo, độc giả chỉ có thể tiếp nhận thông tin một chiều, thì trên mạng xã hội, họ có thể đặt ra nhiều câu hỏi. Thậm chí, họ có thể yêu cầu người bán, người giới thiệu chụp vài trang để xem và đánh giá, trước khi quyết định mua hay không.

Như vậy có thể thấy, trong thời đại thông tin cả người đọc, người viết và nhà xuất bản sẽ phải thay đổi cách tiếp cận, cũng như ý thức hơn về vai trò của Internet và các phương tiện kỹ thuật số.

Nói cách khác, sự tồn tại và phát triển của văn hóa đọc nói chung và xuất bản nói riêng, là sự cộng sinh giữa yếu tố truyền thống và điện tử trong môi trường Internet.

Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản.

Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản.

Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? Môn Sử không chán như em tưởng, Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam...

'Hội sách Quốc gia Online là cơ hội để ngành sách bước vào kinh tế số'

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hội sách Quốc gia Online không chỉ là sự kiện thay thế cho hội sách truyền thống, mà mở ra hướng đi hội nhập cho ngành xuất bản, phát hành Việt.

Gần 40 NXB cùng hàng nghìn đầu sách tham gia Hội sách Quốc gia online

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 sẽ diễn ra từ 19/4 đến giữa tháng 5, là sân chơi cho gần 40 đơn vị xuất bản, phát hành, giúp độc giả tiếp cận tri thức lành mạnh giữa mùa dịch.

Nghe 'Muon kiep nhan sinh' hinh anh

Nghe 'Muôn kiếp nhân sinh'

0

“Muôn kiếp nhân sinh” là một bức tranh lớn với vô vàn mảnh ghép cuộc đời sống động. Truy cập https://voiz.vn/ hoặc tải app VoizFM để nghe thêm nhiều sách nói hấp dẫn.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Bạn có thể quan tâm