Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân đội Myanmar muốn 'trật tự' trước khi cân nhắc đề xuất của ASEAN

Lãnh đạo quân đội Myanmar ngày 27/4 đã ra dấu hiệu cho thấy ông không ủng hộ kế hoạch “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN, trong đó có việc chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở nước này.

Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Thông tin Myanmar hôm 27/4, quân đội cho biết họ đã chuyển thông điệp đến ASEAN rằng họ sẽ "xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng" khối đưa ra.

Tuy nhiên, nước này cho biết ưu tiên của họ lúc này là "duy trì luật pháp và trật tự" cũng như "khôi phục hòa bình và sự yên tĩnh của cộng đồng", theo South China Morning Post.

Ngày 24/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã gặp tổng tư lệnh quân đội Myanmar tại Indonesia. Lãnh đạo các nước đã đồng thuận với nhau 5 đề xuất dành cho Myanmar: chấm dứt bạo lực, bắt đầu đối thoại, để đặc phái viên Myanmar điều phối đối thoại, cho phép gửi viện trợ cho người dân Myanmar, cho phép đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar.

chinh bien o Myanmar anh 1

Tổng tư lệnh quân đội Myanm Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo ASEAN - đặc biệt là phái đoàn Singapore, Malaysia và Indonesia - đã thẳng thắn lên án việc quân đội Myanmar sử dụng bạo lực đối với dân thường không vũ trang, và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo dân sự đang bị giam giữ.

Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đã bị đã bị quân đội bắt giam vào ngày 2/1. Hiện tại, bà vẫn bị giam giữ cùng với Tổng thống Win Myint và các quan chức dân cử khác.

South China Morning Post nhận định tuyên bố của quân đội ẩn ý rằng ông Min Aung Hlaing đã phân phát một hồ sơ nêu rõ quan điểm của quân đội trong cuộc họp.

"Myanmar cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét kỹ lưỡng tập tài liệu thông tin được lưu hành tại cuộc họp trước khi đưa ra những bình luận liên quan đến tình hình chính trị hiện tại ở Myanmar", tuyên bố trên cho biết.

chinh bien o Myanmar anh 2

Các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận về tình hình ở Myanmar ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 24/4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Cũng vào ngày 27/4, một bài đăng khác trên trang web của Bộ Thông tin cho biết chính quyền quân đội đã thảo luận về việc xếp Ủy ban Đại diện cho Quốc hội Liên bang (CRPH) là tổ chức khủng bố. CRPH là một nhóm các nhà lập pháp được bầu lên trong cuộc bầu cử cuối năm 2020 và đáng lẽ sẽ nhậm chức vào ngày 1/2 nếu binh biến không nổ ra. Các nghị sĩ này là những người chống chính quyền quân đội đang bị trừng phạt hoặc bỏ trốn.

CRPH đang tìm kiếm sự công nhận của quốc tế với tư cách là cơ quan hành pháp hợp pháp của Myanmar.

Lực lượng Karen thừa nhận tấn công đồn quân sự Myanmar

Nhóm sắc tộc có vũ trang người Karen thừa nhận tấn công và kiểm soát một chốt quân sự ở miền Đông Myanmar, gần biên giới với Thái Lan, vào sáng 27/4.

Giao tranh dữ dội ở biên giới Myanmar

Một cuộc giao tranh xảy ra ở biên giới phía đông Myanmar, giáp với Thái Lan, vào sáng 27/4. Nhân chứng trông thấy đám cháy và khói bốc nghi ngút từ khu vực đụng độ.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm