Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Aung San Suu Kyi thất vọng vì phiên tòa bị hoãn

Luật sư của cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cho biết thân chủ của ông cảm thấy thất vọng khi chính quyền quân sự Myanmar lại dời ngày ra tòa của bà.

Ngày 26/4, chính quyền quân sự Myanmar lại hoãn việc xét xử bà Aung San Suu Kyi - cố vấn nhà nước Myanmar bị truất quyền trong cuộc chính biến ngày 1/2. Thông tin này được các luật sư của bà cho AFP biết, trong lúc họ vẫn đang đấu tranh để được gặp bà sau hơn 12 tuần kể từ khi bà bị bắt giữ.

Theo Min Min Soe - luật sư của bà Aung San Suu Kyi, phiên xét xử tiếp theo của bà sẽ bị hoãn đến ngày 10/5. Luật sư trên cũng cho biết thân chủ của mình cảm thấy thất vọng với tiến độ chậm chạp của việc xử án.

Bà Suu Kyi bị bắt giữ và quản thúc tại gia với 6 tội danh, gồm vi phạm luật xuất nhập khẩu khi tàng trữ 6 bộ đàm không được đăng ký, vi phạm quy định chống Covid-19 khi vận động tranh cử giữa mùa dịch và nhận hối lộ.

Aung San Suu Kyi ra toa anh 1

Bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo dân sự Myanmar bị bắt giữ trong cuộc chính biến hôm 1/2. Nguồn: Times.

"Tôi nghĩ bà ấy không được tiếp cận với tin tức và truyền hình. Tôi không nghĩ bà ấy biết tình hình hiện tại ở Myanmar", luật sư Min Soe cho biết.

Bên cạnh việc không thể gặp mặt trực tiếp bà Suu Kyi, các luật sư của bà cũng không thể liên hệ trực tuyến với bà khi mạng viễn thông đã bị cắt theo lệnh của chính quyền quân sự, theo AFP.

Lần gần nhất bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trước công chúng là vào ngày 1/4, khi bà có mặt trong một phiên điều trần.

Cùng lúc đó, hàng loạt cuộc biểu tình chống lại chính quyền quân sự vẫn tiếp tục diễn ra, cùng với đó là tình trạng bạo lực lan rộng ở Myanmar. Kể từ cuộc chính biến hồi đầu tháng 2, hơn 750 người biểu tình đã thiệt mạng, theo một nhóm giám sát địa phương.

Thống tướng Myanmar 'cân nhắc' đón đặc phái viên Liên Hợp Quốc

Thống tướng Min Aung Hlaing đồng ý sẽ "cân nhắc" lời đề nghị được vào Myanmar của đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener.

ASEAN yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar

Các nước ASEAN đạt được đồng thuận trong việc yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar, bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng và cho phép người dân tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Quốc Tuệ

Bạn có thể quan tâm