Nikkei Asia dẫn lời các quan chức ngoại giao khu vực nói rằng đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, đã có cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền quân sự nước này bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN.
Thống tướng Min Aung Hlaing sau đó cho biết ông đồng ý "cân nhắc" yêu cầu đến thăm Myanmar của bà Burgener.
Bà Burgener từ chối bình luận về vấn đề này.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar, bà Christine Schraner Burgener. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Vào hôm 9/4, đặc phái viên Liên Hợp Quốc cho biết chính quyền quân sự Myanmar từ chối để bà đến thăm.
"Tôi rất tiếc vì chính quyền quân sự Myanmar trả lời rằng họ chưa sẵn sàng đón tiếp tôi. Tôi sẵn sàng đối thoại. Bạo lực không thể đưa đến các giải pháp bền vững và hòa bình", bà Burgener nhấn mạnh.
Các nhà ngoại giao khu vực cho biết họ cảm thấy hy vọng vì chính quyền quân sự Myanmar đồng ý tham dự hội nghị ASEAN và gặp gỡ với đại diện của Liên Hợp Quốc. Họ cũng phủ nhận việc mời thống tướng Myanmar đã giúp "hợp pháp hóa" chính quyền quân sự tại nước này.
Trước đó, lãnh đạo các nước ASEAN cho biết họ đã đạt được "đồng thuận 5 điểm" về vấn đề Myanmar, trong đó nhấn mạnh việc một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN sẽ được cử đến Myanmar để làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại.
Brunei, nước giữ ghế chủ tịch ASEAN năm nay, cho biết họ đã đề cử ông Hassan Wirajuda cho vị trí đặc phái viên nói trên. Ông Wirajuda từng giữ chức ngoại trưởng Indonesia từ năm 2001 đến năm 2009. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền quân sự Myanmar có chấp nhận đề cử của ASEAN hay không.