Ari Ben-Menashe, nhà vận động hành lang người Canada gốc Israel, và công ty Dickens & Madson Canada của ông sẽ đại diện cho chính quyền quân sự Myanmar tại Washington, Reuters đưa tin hôm 9/3, trích dẫn tài liệu nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông Ben-Menashe cũng sẽ chịu trách nhiệm vận động cho Myanmar trước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Israel, Nga và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, theo thỏa thuận với chính quyền quân sự Myanmar.
Nhà vận động hành lang Ari Ben-Menashe vào năm 2002. Ảnh: Toronto Star. |
Theo tài liệu này, công ty Dickens & Madson Canada (trụ sở tại Montreal) sẽ "hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện các chính sách vì sự phát triển có lợi của Cộng hòa Liên bang Myanmar, cũng như để hỗ trợ giải thích tình hình thực tế tại đất nước", thỏa thuận nêu.
Thỏa thuận được gửi lên Bộ Tư pháp Mỹ theo quy định của Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài, và được công bố trên mạng.
Ông Ben-Menashe cho hay ông được giao nhiệm vụ thuyết phục Mỹ rằng các tướng lĩnh của Myanmar muốn xích lại gần phương Tây và tránh xa Trung Quốc. Ông cũng nói các tướng lĩnh muốn tái định cư người Rohingya, sắc dân thiểu sổ theo đạo Hồi tại Myanmar. Ngay từ trước vụ binh biến ngày 1/2, các tưỡng lĩnh quân đội Myanmar đã bị Mỹ trừng phạt vì các chính sách đối với người Rohingya.
Các tài liệu khác do ông Ben-Menashe đệ trình cho thấy ông đã đạt được thỏa thuận với bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền quân sự Myanmar, tướng Mya Tun Oo, và chính phủ sẽ trả cho công ty ông 2 triệu USD.
Ông Mya Tun Oo và các tướng lĩnh hàng đầu khác đã bị Bộ Tài chính Mỹ và chính phủ Canada trừng phạt, vì vậy tài liệu cho biết khoản thanh toán sẽ được thực hiện "khi pháp luật cho phép".
Các luật sư nói với Reuters rằng ông Ben-Menashe có thể vi phạm các lệnh trừng phạt.
"Nếu ông ta cung cấp dịch vụ cho các bên bị Mỹ trừng phạt mà không được ủy quyền, việc này có thể đã phạm luật Mỹ", Peter Kucik, cựu cố vấn cấp cao về trừng phạt ở Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Ông Ben-Menashe nói ông đã được khuyến cáo xin giấy phép từ Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ và chính phủ Canada để nhận khoản thanh toán, nhưng việc vận động chính quyền không vi phạm pháp luật.
"Có những vấn đề kỹ thuật ở đây nhưng chúng tôi sẽ giao việc đó cho các luật sư và OFAC giải quyết", ông nói và cho biết thêm các luật sư của ông đã liên hệ với Bộ Tài chính Mỹ.
Hơn 60 người biểu tình đã thiệt mạng và 1.900 người bị bắt kể từ ngày 1/2, khi các tướng lĩnh Myanmar tiếm quyền lãnh đạo đất nước và bắt giữ các lãnh đạo dân sự, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.